Để tín dụng chính sách thực sự là "Ý Đảng, lòng Dân"
Chủ trương lớn hợp lòng dân
Đồng chí Phạm Tuấn Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnhtín Cao Bằng cho biết: Sau hơn 20 năm hoạt động và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thành công, có hiệu quả các chương trình TDCS xã hội. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt 4.372,7 tỷ đồng, tăng 2.728,7 tỷ đồng so năm 2014, với 61.131 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 71,5 triệu đồng, tăng 46,3 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Trong đó, dư nợ TDCS phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 3.932,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89,9%/tổng dư nợ. Dư nợ TDCS phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 440 tỷ đồng, chiếm 10,1%/tổng dư nợ.
Gia đình ông Chung Văn Quáng, thôn Cốc Xả, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) là hộ nghèo của xã, được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để làm nhà mới. Ông Quáng phân khởi nói: Cuối năm 2022, gia đình tôi được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng thuộc chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để làm nhà mới. Với sự nỗ lực có gắng, chăm chỉ và sự giúp đỡ người thân, bà con trong thôn, hiện tại tôi đã làm xong căn nhà diện tích 120 m2. Đây là một tài sản lớn mà gia đình tôi đã có được từ hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay tại NHCSXH. Những đồng vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho những hộ gia đình nghèo như tôi vươn lên trong cuộc sống. Đây là chủ trương lớn hợp lòng dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng bào dân tộc Mông xã Hồng Việt (Hòa An, Cao Bằng) được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. |
Chia sẻ về hiệu quả vốn tín dụng chính sách, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Phố Hạ Lang, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết: Tổ Tiết kiệm và vay vốn do tôi quản lý có 58 tổ viên được vay vốn với tổng dư nợ 6.623,9 triệu đồng. Nguồn vốn TDCS thực sự đã tiếp sức cho các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống bằng những mô hình kinh tế như: buôn bán hàng hóa, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đến nay, trong tổ đã có 18 hộ thoát nghèo, ổn định được cuộc sống và bước đầu vươn lên làm giàu.
Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TDCS xã hội đã được triển khai sâu rộng và đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả; trở thành “trụ cột” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh mỗi năm giảm 4 - 5%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều cả tỉnh hiện còn 39,93%.
Tiếp tục lan tỏa chính sách nhân văn của Đảng
TDCS trở thành “điểm sáng” trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy vậy, việc triển khai Chỉ thị số 40 vẫn còn một số khó khăn như: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo hoạt động TDCS xã hội; việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với TDCS xã hội tại một số nơi chưa kịp thời. Cơ chế chính sách ưu tiên về TDCS xã hội chưa đủ mạnh để giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập; một số quy định về chương trình tín dụng ưu đãi ban hành nhưng thiếu nguồn lực bố trí dẫn đến hiệu quả chưa cao; một số quy định chậm được chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn nên hiệu quả đạt được còn hạn chế…
Lãnh đạo địa phương và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay tín dụng chính sách củ người dân. |
Theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Cao Bằng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4%/năm trở lên; phấn đấu 2 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; trên 20% xã, xóm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Để thực hiện mục tiêu thành công mục tiêu này, cùng với sự nỗ lực của cả tỉnh trong thực hiện các chương tình phát triển kinh tế - xã hội, việc tiếp tục thực hiện tốt công tác TDCS xã hội là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Hoàng Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Đến nay, số dư nợ Hội LHPN tỉnh nhận ủy thác từ NHCSXH là 1.394,429 tỷ đồng, có 624 tổ với 18.544 hộ vay (Chiếm 31,03% trên tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh). Nhận thức rõ vai trò, vị trí của TDCS trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương, các cấp Hội LHPN tỉnh luôn tích cực đồng hành, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả các nội dung uỷ thác với NHCSXH để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách TDCS đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
“Là một huyện nghèo của tỉnh, đến nay toàn huyện Hà Quảng còn 33,21% hộ nghèo, 9,67% hộ cận nghèo. Thông qua vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 35.115 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm từ 3 - 4%. Với những hiệu quả thiết thực từ nguồn vốn TDCS mang lại, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 của Ban Bí thư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị, kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, quan tâm bố trí ngân sách địa phương chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hằng năm để tạo nguồn lực ổn định, bền vững tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình TDCS xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn” - Đồng chí Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Hà Quảng cho biết.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tỉnh Cao Bằng tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội trong thời gian tới, để một chủ trương lớn, hợp “ý Đảng, lòng dân” được lan tỏa rộng khắp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.