Đến 2020, 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa
Ảnh minh họa |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những thành quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được trong 5 năm qua. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp nhưng nhờ tuyên truyền tốt nên đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là về lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.
Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, thời gian tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới còn rất lớn, trong khi vẫn còn nhiều vùng cực kỳ khó khăn, nguồn lực rất hạn chế… Do đó, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong 5 năm tới cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp; trong đó giải pháp quan trọng là cần huy động hơn nữa các nguồn lực cho giao thông nông thôn.
Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh huy động sức dân thì mấu chốt vẫn cần sự quan tâm nguồn lực của Nhà nước, địa phương. Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần tính toán để tăng thêm nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia để huy động vốn thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 năm qua, các bộ, ngành, đoàn thể đã quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn.
So với thời kỳ trước năm 2010, chiều dài đường giao thông nông thôn tăng 217.433 km (tính cả đường nội đồng), tổng vốn huy động đạt 186.194 tỷ đồng (tăng 84.418 tỷ so với cả giai đoạn 10 năm trước và tương đương 183%). Nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng phát triển từng bước hiện đại theo hướng bền vững.
Giai đoạn 2010 - 2015 xây dựng mới (bao gồm làm lại toàn bộ đường và làm thêm đường theo các tuyến mới) 47.436 km đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, tăng 10.251 km so với giai đoạn 2001-2010 và làm mới 61.400 km đường thôn xóm bằng vật liệu tại chỗ, số đường này chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; Cải tạo, nâng cấp và sửa chữa 103.394 km (bình quân năm tăng 54%); Xây dựng mới 15.474 cầu (bình quân năm tăng 8%) và sửa chữa 11.503 cầu.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, đến nay đã cứng hóa 43.081 km/58.437 km đường huyện (73,72%), 177.164 km/434.455 km đường xã trở xuống đến đường thôn xóm, trục chính nội đồng đạt 40,77%. Tính chung cả nước, hệ thống đường giao thông nông thôn đã cứng hóa được 220.246 km/492.982 km, tương đương 44,68%, còn 55,32% đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa, trong số này phần lớn là đường thôn, xóm, trục chính nội đồng. Tỷ lệ cứng hóa ở các khu vực trung du, miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và vùng sâu vùng xa còn rất thấp; Khu vực đồng bằng và các khu vực còn lại đạt tỷ lệ cao hơn...
Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành giao thông phấn đấu hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông xi măng hóa 100% đường xã, đường liên xã đến năm 2020; hoàn thành tỷ lệ đường thôn xóm, đường trục nội đồng được cứng hóa; ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới với 4 tiêu chí về giao thông nông thôn và đạt tỷ lệ 70% số xã được cứng hóa đường trục thôn xóm…