Đèn lồng Việt "tỏa sáng" trong mùa Trung Thu
Đèn lồng Việt "tỏa sáng" trước mùa Trung thu |
Tự tạo nét đẹp văn hóa riêng
Theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, không khí mua bán lồng đèn, đồ trang trí dịp Trung Thu tại các cửa hàng đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết, khi chỉ còn chưa đầy một tuần là đến Tết trông trăng.
Tất bật tư vấn cho khách dù đã quá 12h trưa, anh Vũ Văn Thịnh (phố Hàng Mã, Hà Nội) cho biết, nhu cầu mua sắm lồng đèn, nhất là các sản phẩm đèn lồng truyền thống trong tuần trước rằm tháng Tám âm lịch đã tăng gấp ba lần so với tuần trước đó. Đặc biệt, đèn lồng truyền thống tập trung nhiều ở các đơn hàng sỉ và đi các tỉnh.
Hiện trên thị trường, các loại đèn lồng truyền thống làm từ giấy bóng kính màu, khung tre nứa, nhựa mỏng... có giá bán phổ biến từ 25-60 nghìn đồng, được nhiều khách hàng lựa chọn hơn các sản phẩm từ nhựa, chạy bằng pin, có xuất xứ từ nước ngoài với giá thành rẻ, anh Thịnh chia sẻ thêm.
Không chỉ vậy, một số cửa hàng còn đưa ra các combo bao gồm dụng cụ và vật liệu để các bậc phụ huynh mua về cho con trẻ trải nghiệm việc tự tay làm đèn ông sao truyền thống, giá bán dao động từ 30- 250 nghìn đồng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn có thể dẫn con em mình đến trực tiếp tham quan và làm đèn lồng tại các cơ sở sản xuất với giá khoảng 100 nghìn đồng/trẻ.
Lý giải việc ưu tiên chọn mua đèn lồng truyền thống, chị Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mua một chiếc đèn ông sao giá 25 nghìn đồng và một đầu lân với giá 150 nghìn đồng thực sự không đắt hơn là bao so với đồ chơi ngoại nhập. Hơn nữa, các sản phẩm đồ chơi truyền thống của Việt Nam khá phong phú và đa dạng, an toàn, gần gũi thiên nhiên nên chị chọn mua cho các con những món đồ chơi "Made in Viet Nam" để các con hiểu được ý nghĩa Tết Trung Thu với người Việt.
Không chỉ là món đồ chơi mỗi dịp Trung Thu, đèn lồng truyền thống còn tìm được hướng đi khác để tạo nét đẹp văn hóa đặc trưng, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đơn cử, lễ hội Thành Tuyên năm 2022 vừa được tỉnh Tuyên Quang tổ chức trở lại. Đây là lễ hội đèn lồng lớn nhất Việt Nam với sự có mặt của 62 mô hình đèn Trung Thu cỡ lớn mang hình tượng các linh vật với đủ màu sắc, hình dáng... do chính người dân tự làm và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển, thu hút thêm hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Trước đó, Trung tâm Festival Huế đã tổ chức khai mạc không gian trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao TP. Huế. Nhờ đó, người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hơn 1 nghìn đèn lồng truyền thống, đậm chất Việt với đa dạng các chủng loại như đèn lồng cung đình Huế, đèn lồng Trúc Chỉ, đèn lồng xếp... Không gian trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống không chỉ mang đến không khí vui tươi trong dịp Tết Trung Thu mà còn góp phần phục hồi, gìn giữ và quảng bá những tinh hoa, nét đẹp trong văn hóa chơi Trung Thu của người Việt xưa.
Giữ nghề truyền thống không mai một
Dù thị trường đèn lồng truyền thống đã sôi động trở lại sau nhiều năm "lép vế" nhưng những người làm nghề vẫn còn nhiều trăn trở trước bài toán làm gì để không mất nghề và tình yêu với nghề.
Một người làm nghề đèn lồng tại Phú Bình (TP. Hồ Chí Minh) hơn 40 năm cho biết, đèn lồng nơi đây được ưa chuộng vì mẫu mã đẹp và sự dày công, tỉ mỉ. Vì vậy, nhu cầu của khách hàng năm nào cũng tăng nhưng chỉ lác đác vài hộ còn bám với nghề. Làm cái nghề lồng đèn truyền thống này bấp bênh lắm, thu nhập thấp, phải tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian nên cũng nhiều người không theo nữa. Kể cả những người làm nghề lâu năm cũng bỏ nghề, phần vì sức khỏe không tốt, phần vì công việc mưu sinh hàng ngày đã chiếm hết thời gian sống hết mình vì nghề truyền thống của họ.
Muốn sống được với nghề truyền thống, anh Nguyễn Trung Thăng, người làm đèn lồng trên phố Hàng Mã (Hà Nội) cho biết cũng phải thích nghi và biến chuyển linh động để truyền thống cạnh tranh vị thế với hiện đại hóa bây giờ. Mỗi sản phẩm làm ra, anh đều ưu tiên các vật liệu thuần việt như tre, nứa, giấy bóng kính... nhưng họa tiết, hình dáng phải sáng tạo dựa trên cái truyền thống theo cách hiện đại hơn. Dù làm gì vẫn phải giữ được nét truyền thống, giữ nó không hòa lẫn vào những chiếc đèn lồng hiện đại. Có như vậy, đèn lồng Việt mới giữ được giá, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, còn người làm nghề truyền thống có thu nhập ổn định để tiếp tục giữ nghề.
Để các mặt hàng đèn lồng truyền thống nói riêng và các sản phẩm truyền thống nói chung không bị thất truyền, các chuyên gia cho rằng chính quyền các cấp cần xây dựng những chính sách ưu đãi đặc thù, tạo điều kiện cho người làm nghề thủ công phát triển, như: giúp đỡ tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng mối liên kết các đơn vị du lịch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Một số nghề truyền thống gặp khó khăn về nguồn lao động cũng cần được hỗ trợ trong việc đào tạo, chính sách để động viên người trẻ học, hành nghề; tổ chức các cuộc thi để khơi dậy sức sáng tạo và tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi...