Dệt may kỳ vọng hồi phục
Trải qua năm 2020 với những khó khăn chưa từng có, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35,2 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019.
Tuy nhiên những tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp dệt may Việt đón nhận đơn hàng dần quay trở lại. Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, tuy mức tăng không quá cao nhưng là một khởi đầu đầy lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021, tập trung vào thị trường Mỹ (trên 50%), châu Âu, Nhật Bản…
Ông Dương đánh giá, tình hình dệt may Việt Nam trong thời gian tới đang trên đà hồi phục khá tốt. Một phần có thể thấy thị trường quốc tế đang dần hồi phục, tăng trưởng của thế giới cũng được đánh giá sẽ tăng lên. Sau một năm trời “nhịn mua”, sau khi tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn, sức mua sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, châu Âu.
Mặt khác, thị trường Myanmar đang có nhiều xáo trộn, một số nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc rút ra và dịch chuyển đầu tư về Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ vào thành tích chống dịch thành công, có ít doanh nghiệp phải đóng cửa, bạn hàng trên quốc tế tin tưởng và lựa chọn Việt Nam nhiều hơn cho các đơn hàng của mình.
Khảo sát cho thấy đa số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 6, tháng 7, nhiều doanh nghiệp còn ký đơn hàng đến hết tháng 9 năm nay. Có thể kể đến như Công ty Đầu tư và Thương mại TNG cho biết đơn hàng đã xuống chi tiết hết quý II, đang trong quá trình triển khai, đưa đi gia công thêm và đang lên kế hoạch đàm phán chi tiết cho kế hoạch sản xuất quý III.
Về giá cả, theo một số chủ doanh nghiệp, giá của mặt hàng may mặc đã quay về thời điểm trước dịch, một số mặt hàng còn có chiều hướng tăng giá, giờ đây các nhà sản xuất đã bắt đầu có thể nêu quyền tăng giá chứ không chấp nhận ép giá như thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I/2021 đã ghi dấu thành tích đầy lạc quan. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có lợi nhuận hợp nhất quý I ở mức tương đối cao so với các năm trước và đạt trên 20% so với tổng mức có được cả năm 2019 - thời điểm trước dịch. Tổng công ty Đức Giang ước doanh thu quý I đạt 433 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 triệu USD, tăng 64%.
Các doanh nghiệp dệt may Việt cũng đặt ra những mục tiêu lạc quan trong năm nay.
Công ty Sợi Thế Kỷ kỳ vọng hoạt động kinh doanh năm 2021 sẽ phục hồi về mức trước dịch Covid-19 với doanh thu thuần đạt 2.358 tỷ đồng, lãi sau thuế 213 tỷ đồng; lần lượt tăng 34% và 49% so với năm 2020, tương đương năm 2019.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho biết, tuy tình hình còn nhiều khó khăn nhưng công ty sẽ phấn đấu đạt tổng doanh thu 3.636 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 82 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng, thông qua việc tập trung nghiên cứu thị trường, lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp nguồn lực thiết bị, tay nghề công nhân, tăng năng suất lao động.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.
Về mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Xuân Dương hoàn toàn có thể đạt được. Riêng với May Hưng Yên sẽ cố gắng đạt vượt mức doanh thu của năm 2019.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được đánh giá đang có thuận lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Sắp tới đây, thị trường xuất khẩu cho dệt may sẽ được mở rộng với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, thách thức trong thời gian tới mà các doanh nghiệp phải đối mặt cũng không hề nhỏ.
Theo ông Dương, đó là thách thức về chi phí logictics, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm tăng không đáng kể hoặc giữ nguyên.
Đặc biệt, vấn đề lớn nhất đó là chi phí cho lao động. Thực tế cho thấy đang có hiện tượng chuyển dịch lao động, khi một số ông lớn ngành điện tử quốc tế đã bắt đầu lựa chọn Việt Nam để xây dựng trung tâm sản xuất chip, thiết bị linh kiện điện tử. Các nhà đầu tư này đang đẩy giá nhân công lên cao hơn, tạo ra sự cạnh tranh về tiền lương giữa các ngành và các doanh nghiệp. Mặt khác, chi phí cho nhân công lại đang chiếm tới 72% chi phí của doanh nghiệp, 28% là chi phí về điện năng, logictisc, khấu hao… chính vì vậy biên lợi nhuận của doanh nghiệp còn thấp, đó chính là thách thức trong thời gian tới. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà nước cần có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, đổi mới chính sách về đất đai, khuyến khích xây dựng những chuỗi liên kết dệt may khép kín… có như vậy mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.