Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 10-14/7 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/7 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 18/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.714 VND/USD, tăng trở lại 13 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.849 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên ở mức 23.635 VND/USD, giảm nhẹ 06 đồng so với phiên 17/7.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.660 VND/USD và 23.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 18/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,35 - 0,42 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,09 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 0,56%; 1 tuần 0,78%; 2 tuần 1,0% và 1 tháng 2,12%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1 tuần và tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2W, giao dịch tại: qua đêm 4,87%; 1 tuần 4,92%; 2 tuần 5,01%, 1 tháng 5,16%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,82%; 5 năm 1,92%; 7 năm 2,21%; 10 năm 2,51%; 15 năm 2,71%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên chào này không có khối lượng trúng thầu và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường trái phiếu hôm qua 18/7, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 2.450 tỷ, tương đương 82%. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 3 năm chào thầu 500 tỷ và không có khối lượng trúng thầu, kỳ hạn 5 năm trúng thầu toàn bộ 500 tỷ, kỳ hạn 10 năm trúng thầu toàn bộ 1.000 tỷ và kỳ hạn 15 năm trúng thầu 950/1.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn lần lượt là 5 năm 2,3% (giảm 2,5 điểm phần trăm so lần trúng thầu trước), 10 năm 2,7% (+0,28 điểm phần trăm) và 15 năm 3,0% (+0,46 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán chốt phiên hôm qua tiếp tục tăng điểm, mặc dù các chỉ số chỉ giao dịch quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,96 điểm (+0,08%) lên 1.174,09 điểm; HNX-Index nhích nhẹ 0,01 điểm (+0,004%) lên 230,96 điểm; UPCoM-Index thêm 0,21 điểm (+0,24%) đạt mức 87,02 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch gần 18.900 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 452 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Theo Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/6/2023, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 179.892 tỷ đồng, tương đương 45% kế hoạch Bộ Tài chính giao (400.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 12,23 năm. Thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,15 năm. Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2023 là 4,13%/năm.
Tin quốc tế
Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ cùng tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng Sáu sau khi lần lượt tăng 0,3% và 0,5% ở tháng 5, cùng thấp hơn so với kỳ vọng tăng 0,4% và 0,5%. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại nước Mỹ tiếp tục giảm 0,5% so với tháng trước trong tháng Sáu, bằng với mức giảm của tháng trước đó và trái với kỳ vọng đi ngang của các chuyên gia
Ngân hàng trung ương Úc (RBA) công bố biên bản cuộc họp tháng Bảy. Trong văn bản này, RBA cho rằng kinh tế Úc đang chậm lại, phản ánh tác động của lãi suất và lạm phát cao. Mặc dù vậy, thị trường lao động vẫn thắt chặt và tiếp tục tạo ra việc làm mới. Lạm phát đã hạ nhiệt kể từ đỉnh, nhưng vẫn ở mức cao. RBA vẫn ưu tiên đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% - 3% theo thời gian. Mặc dù vậy, cơ quan này hiện tại không kỳ vọng lạm phát sẽ trở về mục tiêu sớm hơn thời điểm giữa năm 2025.
Trong cuộc họp này, RBA quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 4,1% và có thể cần thắt chặt hơn nữa trong tương lai để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trong thời gian hợp lý, nhưng điều này còn phụ thuộc vào dữ liệu tiếp theo về kinh tế và lạm phát.