Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/9
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/9 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/9 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/09, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.316 VND/USD, tăng 13 đồng so với phiên trước đó. NHNN tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay cũng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá chốt phiên với mức 23.706 VND/USD, tăng tiếp 10 đồng so với phiên 21/09. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.060 VND/USD và 24.130 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Ngày 22/09, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng mạnh 0,16 - 0,30 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,87%; 1W 5,10%; 2W 5,27% và 1M 5,44%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng mạnh 0,26 – 0,61 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 3,11%; 1W 3,25%; 2W 3,33%, 1M 3,50%. Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp cũng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 3,89%; 5Y 3,94%; 7Y 4,17%; 10Y 4,28%; 15Y 4,38%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 5,30%; có 938,37 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày, có 12.000 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 4,50%; có 10.600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 1.338,38 tỷ VND từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 4.999,95 tỷ VND, tín phiếu lên 77.800,1 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, mặc dù giao dịch dưới mốc tham chiếu gần suốt phiên, chốt phiên cả 3 chỉ số đã tăng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,15 điểm (+0,34%) đạt mức 1.214,70 điểm; HNX-Index nhích 0,55 điểm (+0,21%) lên 265,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,36%) lên 88,55 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch gần 13.300 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 484 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 22/09, Thống đốc NHNN vừa ban hành quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản, lên 5%/năm; tăng lãi suất tái chiết khấu thêm 100 điểm từ mức 2,5% lên 3,5%/năm kể từ ngày 23/9/2022. Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu được duy trì ổn định ở mức 4% và 2,5% kể từ 01/10/2020.
Cũng trong động thái mới, NHNN nâng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6,0%/năm.
Trước đó, lãi suất qua đêm ở mức 4,2%. NHNN cũng quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở mức: tối đa 0,5% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; tối đa 5% áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; và tối đa 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở các Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô.
Theo Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố 21/09, ADB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm tới. Dự báo của ADB về lạm phát ở Việt Nam không thay đổi qua 3 lần báo cáo, duy trì ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.
Tin quốc tế
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có các cuộc họp chính sách tiền tệ trong ngày hôm qua. Cụ thể, tại Anh, Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) của BoE đồng thuận tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản (đcb), từ 1,75% lên 2,25%. Trong số 9 thành viên của MPC có 5 thành viên ủng hộ mức tăng 50 đcb này, 3 thành viên ủng hộ tăng 75 điểm và chỉ có 1 thành viên ủng hộ tăng 25 điểm. Đây là lần thứ hai và trong hai tháng liên tiếp BoE có mức tăng 50 điểm, là mức lớn nhất kể từ năm 1995. Cơ quan này cho biết quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0%, đồng thời vẫn phù hợp để tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động bền vững.
Tiếp theo, tại Nhật Bản, BoJ vẫn giữ llãi suất chính sách ở mức -0,1%; không thay đổi so với trước. Mức lãi suất chính sách này đã được BoJ thiết lập kể từ tháng 01/2016 cho tới nay. Trên thế giới hiện nay chỉ còn duy nhất BoJ áp dụng lãi suất âm. Bên cạnh đó, BOJ quyết định vẫn duy trì nới lỏng định lượng (QE) để hỗ trợ thị trường.
Cơ quan này khẳng định chính sách tiền tệ hiện tại nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hướng lạm phát về ổn định ở mức mục tiêu 2,0%. Cũng trong ngày hôm qua 22/09, Chính phủ Nhật Bản thông báo sử dụng biện pháp can thiệp vào thị trường bằng cách bán ra đồng USD và mua vào đồng JPY để kiềm chế đà giảm giá của đồng tiền nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/1998 Nhật Bản có hành động can thiệp nâng đỡ tỷ giá. Năm 2011, nước này cũng phải can thiệp, nhưng là để ghìm giá JPY xuống trở lại.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/09 ở mức 213 nghìn đơn, chỉ tăng nhẹ so với 208 nghìn đơn của tuần trước đó, và thấp hơn so với mức 220 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân trong 4 tuần gần nhất chỉ ở mức 216,7 nghìn đơn; giảm 6 nghìn so với 4 tuần trước đó.