![]() |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/11 |
![]() |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/11 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ: Phiên 23/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.672 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.850 VND/USD. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay.
Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.852 VND/USD, tăng nhẹ 04 đồng so với phiên 22/11. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.950 VND/USD và 25.050 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 23/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,10 - 0,22 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 5,91%; 1W 6,59%; 2W 7,04% và 1M 7,77%.
Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,03 – 0,06 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 3,90%; 1W 4,02%; 2W 4,17%, 1M 4,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng nhẹ ở kỳ hạn 7Y, cụ thể: 3Y 4,76%; 5Y 4,79%; 7Y 4,85%; 10Y 4,89%; 15Y 5,02%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 7.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có 4.826,4 tỷ đồng trúng thầu, có 4.802,18 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, NHNN bơm ròng 24,22 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 69.815,63 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 39.999,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 23/11, KBNN huy động thành công 9.500/13.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 73%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 9.500/10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 4,8%/năm (+0,2%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sắc đỏ áp đảo trên cả thị trường với trên 250 mã giảm điểm. Chốt phiên, VN-Index giảm 6,12 điểm (-0,64%) về mức 946,0 điểm; HNX-Index mất 3,66 điểm (-1,88%) còn 191,0 điểm; UPCoM-Index rớt 0,76 điểm (-1,11%) về 67,65 điểm. Thanh khoản thị trường giảm rất mạnh với giá trị giao dịch đạt hơn 8.700 tỷ VND. Điểm sáng duy nhất là việc khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 116 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
NHNN vừa có Công văn số 8253/NHNN-CSTT gửi các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài về việc tăng trưởng TD năm 2022. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng TD chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân TD vào các lĩnh vực SXKD, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, XK, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao và những lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các TCTD phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động NH, kiểm soát chặt chẽ TD đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN cho biết, tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng TD của các TCTD cho thấy đến nay TD toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng TD toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Do đó, vẫn còn dư địa để cho các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài tiếp tục tăng trưởng TD, đáp ứng nhu cầu vốn của DN, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tin quốc tế
Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 11. Trong văn bản này, Fed khẳng định thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt trong những tháng trở lại đây với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục leo thang, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng gây áp lực lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mục tiêu của Fed là toàn dụng nhân công, đồng thời lạm phát ở mức mục tiêu 2% trong dài hạn. Để thực hiện mục tiêu này, FOMC đã tăng LSCS 75 đcb lên khoảng 3,75% - 4,0%.
Bên cạnh đó, các thành viên FOMC cũng đồng ý rằng, khi xác định tốc độ tăng LSCS trong tương lai, Fed sẽ tính đến độ tích lũy của việc thắt chặt CSTT cùng độ trễ mà CSTT tác động lên hoạt động kinh tế và lạm phát. Cuối cùng, Fed cũng nhấn mạnh có thể thay đổi lập trường về CSTT nếu xuất hiện những rủi ro cản trở quá trình đạt mục tiêu của cơ quan này.
Liên quan đến chỉ báo kinh tế Mỹ vừa công bố, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung của Mỹ lần lượt tăng 0,5% và 1,0% m/m trong tháng 10, tích cực hơn dự báo của các chuyên gia. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 18/11 ở mức 240 nghìn đơn, tăng lên từ 222 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt mức 225 nghìn đơn theo dự báo.
IHS Markit khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Anh lần lượt ở mức 46,2 và 48,8 điểm trong tháng 11, không cải thiện so với tháng 10 và cũng không tiêu cực đi như mức 45,7 và 48,0 điểm theo dự báo.
Tỷ giá ngày 23/11:
- USD = 0.962 EUR (-0.90% d/d); EUR = 1.040 USD (0.90% d/d)
- USD = 0.830 GBP (-1.42% d/d); GBP = 1.205 USD (1.42% d/d)
- GBP = 1.159 EUR (0.51% d/d); EUR = 0.863 GBP (-0.51% d/d).
P.L
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB