Điểm lại thông tin kinh tế từ 8-19/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/2 |
Tổng quan
Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 5 năm qua, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn những dự án trọng điểm đang giải ngân chậm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11/2020 là 329.868,24 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng); ước giải ngân đến 31/12/2020 là 389.982,80 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2016 đạt 80,3%, năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%). Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch. Theo Bộ KH&ĐT, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có thay đổi tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến nay. Cụ thể, có 17 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020 đạt trên 80%, trong đó: 10 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%. Tuy nhiên, vẫn có 13 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó: có 6 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.
Về thực hiện giải ngân đối với các dự án lớn, Bộ KH&ĐT cho hay tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9.962.186/10.803,276 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%.
Cụ thể, đối với 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp) là 2.644/2.808 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020, đạt 94,18%. Đối với 5 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) giải ngân cho giải phóng mặt bằng là 3.025/3.176 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020, đạt 95,25%.
Đối với 3 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) giải ngân là 4.293/4.820 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 89,06%. Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỷ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỷ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705,035 tỷ đồng).
Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay là 5.038,556 tỷ đồng, đạt 27,69% kế hoạch được giao, trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng. Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 4.827,32 tỷ đồng, sử dụng 100% nguồn vốn NSNN. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Đến nay, dự án đã giải ngân được 907 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.
Theo Bộ KH&ĐT, sở dĩ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua là do hai yếu tố cơ bản. Một là công tác chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nhằm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 khi lượng vốn giải ngân càng nhiều thì càng hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Hai là, 2020 là năm cuối cùng thực hiện Luật Đầu tư công 2014 (Luật số 49), chuẩn bị triển khai Luật Đầu tư công 2019 (Luật số 39) - bắt buộc các địa phương và bộ, ngành phải giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ vốn khỏi kế hoạch trung hạn.
Mặc dù đạt được tỷ lệ giải ngân cao, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra những ý kiến trái chiều, bày tỏ những lo ngại. Cụ thể, những phần dễ thực hiện để giải ngân của các dự án đều được triển khai thực hiện trước, phần còn lại thường “xương” và khó thực hiện hơn, nhiều vướng mắc hơn thường được để lại để thực hiện sau, nên nếu không đẩy nhanh tiến độ và giám sát, thúc đẩy rốt ráo, tiến độ cũng sẽ khó đảm bảo. Ngoài ra, việc thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công tác thi công, vẫn luôn là những nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tóm lược thị trường trong nước từ 08/02 - 19/02
Thị trường ngoại tệ: Hai phiên trước và ba phiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 từ 08/02 - 19/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm khá mạnh các phiên đầu và tăng trở lại 2 phiên cuối. Chốt phiên 19/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.134 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên 05/02. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 19/02 ở mức 23.778 VND/USD.
Tỷ giá LNH tăng - giảm nhẹ trong thời gian này. Chốt phiên 19/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.009 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 05/02.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng khá cao qua các phiên, đặc biệt tăng mạnh phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Chốt phiên 19/02, tỷ giá tự do tăng 190 đồng ở chiều mua vào và 210 đồng ở chiều bán ra so với phiên 05/02, giao dịch tại 23.750 – 23.800 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong 05 phiên giao dịch từ 08/02 - 19/02, lãi suất VND LNH đồng loạt tăng mạnh 2 phiên trước kỳ nghỉ lễ, sau đó giảm mạnh trở lại. Chốt phiên 19/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,73% (-1,27 đpt); 1W 0,83% (-1,35 đpt); 2W 0,99% (-1,26 đpt); 1M 1,16% (-1,04 đpt).
Trong khi đó, lãi suất USD LNH vẫn biến động tăng – giảm nhẹ trong giai đoạn này. Chốt tuần 19/02, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15 (-0,01 đpt); 1W 0,20% (-0,01 đpt); 2W 0,26% (-0,02 đpt) và 1M 0,35% (-0,03 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở 5 phiên làm việc từ 08/02 - 19/02, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 43.000 tỷ đồng, 2 phiên trước Tết với kỳ hạn 14 ngày, 3 phiên sau kỳ nghỉ lễ kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Có 26.629,3 tỷ đồng trúng thầu, có 24.096,7 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, đến hết phiên 19/02, có 26,629,3 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong phiên đấu thầu TPCP ngày 17/02, KBNN huy động thành công 2.800/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 47%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.300/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm và 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm giữ nguyên tại 2,17%/năm; kỳ hạn 15 năm tại 2,40%/năm (+0,02%). Có 7.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn trong thời gian này. Tuần từ 22-26/02, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này sẽ có 2.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong thời gian từ 08/02 – 19/02, giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp đạt trung bình 6.616 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 13.053 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong 5 phiên từ 08/02 – 19/02, lợi suất TPCP biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 19/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,25% (+0,02 đpt); 2 năm 0,57% (+0,15 đpt); 3 năm 0,65% (-0,08 đpt); 5 năm 1,05% (-0,02 đpt); 7 năm 1,34% (-0,01 đpt); 10 năm 2,23% (+0,01 đpt); 15 năm 2,44% (+0,01 đpt); 30 năm 3,08% (0 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán từ 08/02 - 19/02 tích cực, đặc biệt 2 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, các chỉ số tăng mạnh. Chốt phiên 19/02, VN-Index tăng mạnh 46,59 điểm (+5,25%) lên mức 1.173,50 điểm; HNX-Index đóng cửa tăng 7,34 điểm (+2,79%) đạt 231,18 điểm; UPCOM-Index tăng 2,24 điểm (+3,14%) lên 76,13 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch đạt hơn 17.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ gần 24 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản họp cho thấy sự kiên định về CSTT, NHTW Indonesia BI tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Trong biên bản cuộc họp tháng 01/2021 vừa được Fed công bố, cơ quan này nhận định triển vọng kinh tế Mỹ trong trung hạn đã được cải thiện so với trước do các gói cứu trợ vừa được Quốc hội thông qua cũng như chương trình triển khai vaccine đang có nhiều tiến triển.
Theo đó, cơ quan này vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức gần 0% và chương trình mua trái phiếu 120 tỷ/tháng với mục tiêu toàn dụng nhân công và hướng tới lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2,0%. Liên quan tới NHTW Indonesia BI, ngày 18/02/2021 cơ quan này quyết định giảm lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (BI-7DRR) 25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%; nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế quốc nội, đồng thời phản ứng với việc lạm phát của Indonesia đang rất thấp và được dự báo tiếp tục giảm tốc trong tương lai.
Mỹ đón mốt số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, về phía tích cực, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần của Mỹ lần lượt tăng mạnh 5,9% và 5,3% m/m trong tháng 01/2021, sau khi giảm 1,8% và 1,0% trong tháng trước đó, vượt xa kỳ vọng tăng 0,9% và 1,1%. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp Mỹ tháng vừa qua cũng tăng 0,9% m/m sau khi tăng 1,3% ở tháng trước đó, vượt qua mức tăng 0,4% theo dự báo.
Liên quan đến lạm phát, CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,3% m/m và đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 01/2021 sau khi tăng 0,4% và 0,1% ở tháng trước đó, khác biệt một chút so với dự báo lần lượt tăng 0,3% và 0,2%. Số cấp phép xây nhà tại nước này tháng 01/2021 ở mức 1,88 triệu đơn, cao hơn so với mức 1,70 triệu đơn của tháng trước đó đồng thời cao hơn mức 1,67 triệu đơn theo dự báo. Về phía thông tin tiêu cực, số nhà khởi công tại Mỹ tháng 01/2021 qua chỉ đạt 1,58 triệu căn, giảm từ mức 1,67 triệu căn của tháng trước đó và thấp hơn mức 1,66 triệu căn theo dự báo.
Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 13/02 ở mức 861 nghìn đơn, tăng lên từ mức 848 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với kỳ vọng giảm còn 775 nghìn đơn. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ trong tháng 02/2020 được IHS Markit khảo sát được ở mức 58,5 điểm; giảm xuống từ 59,2 điểm của tháng trước và sát với mức 58,4 điểm theo dự báo.
Nước Anh cũng đón một số thông tin kinh tế quan trọng trong tuần qua. Về lạm phát, CPI chung và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 0,7% và 1,4% y/y trong tháng 01/2021, không thay đổi nhiều so với mức 0,6% và 1,4% của tháng 12/2020 nhưng đều nhỉnh hơn so với dự báo ở mức 0,6% và 1,3%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại nước này giảm 8,2% m/m trong tháng 01/2021 sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, sâu hơn nhiều so với mức giảm 3,0% theo dự báo. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của nước Anh trong tháng 02/2021 lần lượt ở mức 49,7 và 54,9 điểm; cùng tăng lên so với 39,5 và 54,1 điểm của tháng trước, đồng thời vượt qua mức 42,1 và 53,1 điểm theo kỳ vọng.