Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 15-19/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/1 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/1 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng năm 2023.
Theo báo cáo, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch (đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.686 tỷ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong khi đó, nguồn vốn kéo dài sang năm 2023 ước đến 31/12/2023 còn khoảng 11.749 tỷ đồng chưa được giải ngân.
Dù số vốn đầu tư công còn lại cần giải ngân là rất lớn, Thủ tướng vẫn giữ nguyên mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2023. Do đó, tháng 1/2024 sẽ là cao điểm giải ngân của năm với con số ước khoảng 186,560 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân đầu tư công diễn ra chậm so với kế hoạch là do một số nguyên nhân sau: chưa giải quyết được triệt để những mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất một số quy định của pháp luật; việc phân cấp, phân quyền còn hạn chế, vướng mắc, chưa cụ thể được trách nhiệm của từng cấp; một số quy định hiện chưa đầy đủ hoặc không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, như quy định về quy hoạch sử dụng đất, khoáng sản, giải phóng mặt bằng, định mức, đơn giá xây dựng, định mức đầu tư đối với dự án không có cấu phần xây dựng…, gây khó khăn cho quá trình thực hiện dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch chưa tốt, chưa sát với khả năng triển khai thực hiện, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định. Thêm vào đó là tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do việc tập trung triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực…
Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023, các cơ quan quản lý yêu cầu các chủ đầu tư cũng cần sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng gửi Kho bạc nhà nước thanh toán. Các chủ đầu tư cũng cần sớm có phương án với số vốn không giải ngân hết, chỉ đề xuất kéo dài với một số dự án thực sự cần thiết, có khả năng tiếp tục thực hiện, ngoài ra có thể đề xuất điều chuyển vốn nhằm tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công.
Sang năm 2024, đầu tư công tiếp tục được nhận định là động lực quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng. Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2024, ngay từ giữa tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu giải ngân đạt 95%.
Trước đó, trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào mùa Thu năm 2023, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023. Nếu bao gồm cả phần chuyển vốn từ 2023, ước tính kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho năm 2024 vào khoảng 750.000 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư công được tập trung trong giai đoạn 2024 - 2025 bao gồm: Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành,...
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 15-19/1
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 15-19/1, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ đầu tuần rồi tăng mạnh 2 phiên cuối. Chốt ngày 19/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.037 VND/USD, tăng 61 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi đó giá mua USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.188 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng tiếp tục biến động tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên 19/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.536 VND/USD, tăng tiếp 37 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 19/1, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.800 VND/USD và 24.880 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 15-19/1, lãi suất VND liên ngân hàng có sự phân hóa nhẹ ở các kỳ hạn. Chốt ngày 19/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,19% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 0,30% (không thay đổi); 2 tuần 0,58% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tháng 1,26% (-0,02 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Phiên cuối tuần 19/1, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,10% (+0,02); 1 tuần 5,21% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,29% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,39% (+0,01 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần từ 15-19/1, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất đều ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu và đồng thời cũng không có khối lượng đáo hạn từ thị trường.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 17/1, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 3.319 tỷ đồng/8.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu ở mức 40%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 1.016 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng; 10 năm huy động được 786 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng; 15 năm huy động được 967 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động 550 tỷ đồng/750 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5 năm là 1,39% (-0,11 điểm phần trăm so với phiên trước đó), 10 năm 2,20% (-0,05 điểm phần trăm), 15 năm 2,40% (+0,05 điểm phần trăm) và 30 năm 2,85% (-0,15 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 24/1, Kho bạc Nhà nước chào thầu 8.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 20 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.651 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 9.823 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Chốt phiên 19/1, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,13% (-0,34 điểm phần trăm); 2 năm 1,15% (-0,32 điểm phần trăm); 3 năm 1,20% (-0,29 điểm phần trăm); 5 năm 1,42% (-0,12 điểm phần trăm); 7 năm 1,82% (-0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,24% (+0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,44% (+0,02 điểm phần trăm); 30 năm 3,01% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 15-19/1 tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 19/1, VN-Index đứng ở mức 1.181,50 điểm, tăng 26,80 điểm (+2,32%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,83 điểm (-0,36%) về mức 229,48 điểm; UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,64%) còn 86,90 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt xuống 18.200 tỷ đồng/phiên từ mức 25.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 640 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ tuần qua ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 0,6% so với tháng trước trong tháng 12/2023, nối tiếp đà tăng 0,2% và 0,3% của tháng trước đó, đồng thời cùng lớn hơn mức tăng 0,2% và 0,4% theo kỳ vọng. Như vậy, doanh số bán lẻ toàn phần nước này tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng Một, doanh số bán lẻ có thể tiếp tục tích cực khi Đại học Michigan khảo sát niềm tin tiêu dùng ở mức 78,8 điểm, tăng từ 69,7 điểm của tháng trước đó và vượt qua mức 69,8 điểm theo dự báo.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 12/2023 sau khi đi ngang ở tháng trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%. So với cùng kỳ, sản lượng công nghiệp nước này tăng 3,1%.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 13/1 ở mức 187 nghìn đơn, giảm khá mạnh từ mức 203 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ lên 206 nghìn đơn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 203,25 nghìn đơn, giảm 4,75 nghìn so với 4 tuần liền trước.
Trên lĩnh vực xây dựng và bất động sản, số cấp phép xây dựng nhà tại Mỹ ở mức 1,50 triệu đơn trong tháng 12, tăng so với kết quả của tháng 11 và đồng thời cũng là dự báo của các chuyên gia ở mức 1,47 triệu đơn. Số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng vừa qua đạt 1,46 triệu căn, thấp hơn mức 1,53 triệu căn của tháng 11 song vẫn cao hơn so với mức 1,43 triệu căn theo dự báo. Doanh số bán nhà cũ trong tháng 12 ghi nhận ở mức 3,78 triệu căn, thấp hơn một chút so với mức 3,82 triệu căn của tháng 11, đồng thời thấp hơn mức 3,83 triệu theo kỳ vọng.
Khu vực Eurozone cũng ghi nhận một số thông tin quan trọng trong tuần qua. Đầu tiên, Eurostat công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi và CPI toàn phần tại Eurozone chính thức ở mức 3,4% và 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 12/2023, không có sự điều chỉnh nào so với báo cáo sơ bộ.
Tiếp theo, tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Eurozone ở mức 22,7 điểm trong tháng 1, giảm nhẹ so với mức 23,0 điểm của tháng trước đó, song vẫn cao hơn mức 20,2 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tin cao thứ 3 kể từ sau tháng 2/2022, cho thấy kỳ vọng của thị trường đang quay trở lại.
Về lĩnh vực sản xuất, sản lượng công nghiệp tại khu vực này giảm 0,3% so với tháng trước trong tháng 11/2023, nối tiếp đà giảm 0,7% của tháng trước đó và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng công nghiệp Eurozone vẫn rơi khoảng 6,8%.
Cuối cùng, về thương mại, kim ngạch xuất khẩu tại Eurozone đạt 252,4 tỷ EUR trong tháng 11/2023, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 232,2 tỷ EUR, sụt giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, cán cân thương mại khu vực này thặng dư 14,8 tỷ EUR trong tháng 11/2023, cao hơn mức thặng dư 11,1 tỷ của tháng 10 và đồng thời cao hơn mức 11,2 tỷ theo dự báo.
Trong tuần này, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp đầu năm 2024, diễn ra vào tối ngày 25/1 theo giờ Việt Nam. Thị trường dự báo ECB sẽ không điều chỉnh lãi suất chính sách trong cuộc họp này.