Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-30/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/6 |
Tổng quan
GDP cả nước 6 tháng đầu năm 2023 tăng thấp, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 của Chính phủ ở mức 6,5% là thách thức lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 13 năm 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,5%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.
GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm dịch 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, 6 tháng đầu năm cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới.
Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; ngành xây dựng tăng 4,74%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2012, 2022 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.
Trong 6 tháng đầu năm, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,88 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Tăng trưởng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% đã cao hơn mức dự báo gần đây của Ngân hàng Standard Chartered là chỉ tăng 1,5% và mức dự báo tăng 3,8% của Ngân hàng HSBC. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn dự báo GDP quý II/2023 đạt 5,42% của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội hay dự báo tăng 5% của Maybank Research.
Đầu tháng 4/2023, sau khi mức tăng trưởng 3,32% của quý I được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật lại kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo đó, quý II/2023, tăng trưởng GDP phải đạt 6,7%, mức tăng trưởng phải lên tới 7,5% và 7,9% trong quý III và IV, để cả năm đạt con số 6,5%.
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy rõ, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 của chính phủ ở mức 6,5% là thách thức rất lớn. Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng chủ yếu cho thấy, nền kinh tế chưa có nhiều biến chuyển tích cực. Động lực sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng chậm (ước tính chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước), xuất khẩu đang tiếp tục giảm (giảm 12,1%).
Trong khi đó, khu vực dịch vụ, du lịch cũng chưa phục hồi như kỳ vọng từ đầu năm do cầu trong nước còn yếu, trong khi khách du lịch quốc tế, đặc biệt Trung Quốc, còn chưa trở lại như mức trước Covid-19, chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một số động lực để kéo tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay. Thứ nhất, chính phủ và các bộ, ngành có nhiều động thái hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như giảm thuế GTGT, giảm lãi suất…
Thứ hai, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án thuộc Chương trình Phục hồi được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Thứ ba, khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử, du lịch…
Hơn nữa, ngành nông nghiệp đang thực hiện quá trình cơ cấu lại chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, có thể tiếp tục thực hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 26-30/6, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 30/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.800 VND/USD, tăng tới 68 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD. Trong khi giá bán USD phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.940 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng giao dịch trong xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 30/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.585 VND/USD, tăng mạnh 64 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 30/6, tỷ giá tự do tăng nhẹ 5 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.580 VND/USD và 23.630 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 26-30/6, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 30/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,48% (-0,60 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 1,05% (-0,32 điểm phần trăm); 2 tuần 1,55% (-0,30 điểm phần trăm); 1 tháng 2,97% (-0,06 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng ít biến động trong tuần qua. Phiên cuối tuần 30/6, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,84% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,91% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,0% (không thay đổi) và 1 tháng 5,20% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 26-30/6, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 45.000 tỷ đồng, với lãi suất cho cả 2 kỳ hạn đều ở mức 4,0%; không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 293,83 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu ngày 28/6, Kho bạc Nhà nước huy động 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu đạt 6.250 tỷ, tương đương 89%. Đợt phát hành này bao gồm 4 loại kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 5 năm huy động được 200 tỷ/500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm và 15 năm đều huy động được toàn bộ 3.000 tỷ gọi thầu ở mỗi kỳ hạn, 20 năm chỉ huy động được 50 tỷ/500 tỷ gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm 2,0% (-40 điểm phần trăm so với lần trúng thầu trước), 10 năm 2,45% (-0,15 điểm phần trăm), 15 năm 2,70% (-0,15 điểm phần trăm) và 20 năm 2,95% (-0,24 điểm phần trăm).
Tuần vừa qua từ 26-30/6 không có trái phiếu chính phủ đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần này, ngày 5/7, Kho bạc Nhà nước dự định gọi thầu 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó, kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ, 10 năm gọi thầu 2.000 tỷ và 15 năm gọi 2.500 tỷ.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.005 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 10.230 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua tăng ở các kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm, song giảm nhẹ ở các kỳ hạn còn lại.
Chốt phiên 29/6, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,12% (-0,01 điểm phần trăm); 2 năm 2,12% (-0,01 điểm phần trăm); 3 năm 2,13% (-0,01 điểm phần trăm); 5 năm 2,14% (-0,01điểm phần trăm); 7 năm 2,31% (+0,06 điểm phần trăm); 10 năm 2,59% (+0,06 điểm phần trăm); 15 năm 2,8% (+0,06 điểm phần trăm); 30 năm 3,29% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 26-30/6 nối tiếp đà tăng ở 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt ngày 30/6, VN-Index đứng ở mức 1.120,18 điểm, giảm 9,20 điểm (-0,81%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 4,22 điểm (-1,82%) còn 227,32 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,29 điểm (+0,34%) đạt 86,0 điểm.
Thanh khoản thị trường tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 18.000 tỷ đồng/phiên so với mức 18.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 680 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Kinh tế Mỹ đón một số chỉ báo tích cực. Đầu tiên, Chính phủ Mỹ công bố GDP của nước này chính thức tăng 2,0% so với quý trước trong quý đầu năm, cao hơn nhiều mức 1,3% theo thống kê sơ bộ, đồng thời vượt mạnh mức 1,4% theo kỳ vọng.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng Năm, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, PCE lõi tăng 4,6% so với cùng kỳ, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,7% ghi nhận ở tháng Tư.
Trong tháng vừa qua, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ tăng 1,7% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 1,2% của tháng Tư và trái với dự báo giảm 0,8%. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà mới tại nước Mỹ trong tháng Năm đạt 763 nghìn căn, cao hơn mức 680 nghìn căn của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức 677 nghìn căn theo dự báo.
Tiếp theo, Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 109,7 điểm trong tháng Sáu, tăng khá mạnh từ 102,5 điểm của tháng Năm, vượt qua mức 103,9 điểm theo kỳ vọng. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tuần kết thúc ngày 24/06 giảm xuống còn 239 nghìn đơn, trái với dự báo đi ngang ở 264 nghìn đơn như tuần trước đó.
Khu vực Eurozone ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý. Ngày 27/06, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, cơ quan này sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức cao trong thời gian cần thiết do lạm phát còn quá cao. Trong tương lai gần, ECB không có khả năng khẳng định lãi suất đã đạt đỉnh và các chính sách đưa ra sẽ phải được quyết định qua từng cuộc họp, phụ thuộc vào dữ liệu của nền kinh tế.
Ngày 30/6 Eurostat công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại Eurozone tăng 5,4% trong tháng Sáu theo báo cáo sơ bộ, hạ nhiệt từ mức 6,1% của tháng Năm và xuống thấp hơn mức 5,6% theo dự báo. CPI lõi của khu vực này trong tháng vừa qua tăng 5,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức 5,3% của tháng trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức 5,5% theo dự báo.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone ghi nhận ở mức 6,5% trong tháng Năm, không thay đổi so với tháng trước đó và khớp với dự báo.
Nói riêng về nước Đức, CPI toàn phần tại quốc gia này trong tháng Sáu tăng 0,3% so với cùng kỳ sau khi giảm 0,1% ở tháng Năm. So với cùng kỳ năm 2022, CPI toàn phần tháng Sáu tăng 6,4%, cao hơn so với mức 6,1% ghi nhận ở tháng trước đó.
Cuối cùng, tổ chức Ifo khảo sát cho biết niềm tin kinh doanh tại thị trường Đức ở mức 88,5 điểm trong tháng Sáu, giảm từ 91,7 điểm của tháng Năm và xuống sâu hơn mức 90,7 điểm theo dự báo.