Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 26-30/7
Tổng quan
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Theo Tổng cục Thống kê, có mức tăng này chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Việc người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ đã đẩy giá lên cao.
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng cũng là nguyên nhân làm CPI tháng 7/2021 tăng cao so với tháng trước. Trong tháng có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định.
Cụ thể, Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, với 2,36%, làm CPI chung tăng 0,23 đpt; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%, làm CPI chung tăng 0,22 đpt. Số liệu thống kê cho thấy, do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến nên giá lương thực, thực phẩm tăng.
Trong đó, lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,95%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%. Nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng giá trong tháng 7/2021, với mức tăng 0,18%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao và do giá thuốc lá tăng 0,43% (do nguồn cung giảm). Bên cạnh đó, Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Nhóm giáo dục tăng 0,03%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Ngược lại, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,1%); Nhóm bưu chính - viễn thông (giảm 0,05%); Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,03%). Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác không đổi.
Tuy vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI mới tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm 2021: Trong 7 tháng, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt làm giá xăng A95 tăng 5.210 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.000 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 7 tháng năm nay tăng 20,36%, làm CPI chung tăng 0,73 đpt. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới.
Trong 7 tháng năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 7 tháng giá gas tăng 18,43% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 đpt. Giá dịch vụ giáo dục 7 tháng tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 đpt) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng năm 2021 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 đpt). Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 7 tháng năm nay tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,11 đpt.
Ở chiều ngược lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như sau: Giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,09 đpt, trong đó giá thịt lợn giảm 5,4%; giá thịt gà giảm 1,7%. Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020) và quý IV năm 2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 7 tháng năm 2021 giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,06 đpt. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 7 tháng giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 18,66%; giá du lịch trọn gói giảm 2,83%.
Mức tăng thấp của 7 tháng đầu năm nay khiến Chính phủ có thêm dư địa điều hành giá cả trong các tháng còn lại của năm nay khi mức tăng này còn cách khá xa mục tiêu lạm phát cả năm là 4%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.
Tóm lược thị trường trong nước từ 26/07 - 30/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 26/07 - 30/07, NHNN điều chỉnh tăng nhẹ tỷ giá trung tâm ở 3 phiên đầu tuần, sau đó giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.180 VND/USD, giảm mạnh 29 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.825 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 30/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.960 VND/USD, giảm mạnh 50 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động giảm qua các phiên. Chốt tuần 30/07, tỷ giá tự do giảm mạnh 90 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.110 – 23.165 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 26/07 - 30/07 biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 30/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,0% (không thay đổi); 1W 1,18% (+0,04 đpt); 2W 1,28% (+0,02 đpt); 1M 1,44% (không thay đổi).
Lãi suất USD LNH vẫn chỉ biến động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần 30/07 đóng cửa tại: ON 0,15% (+0,01 đpt); 1W 0,18% (+0,01 đpt); 2W 0,23% (+0,01 đpt) và 1M 0,32% (+0,03 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 26/07 - 30/07, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 26/07 - 30/07, NHCSXH và KBNN cùng tham gia gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu là 13.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 26/07, NHCSXH huy động thành công 2.000/4.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 50%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên tại 2,47%/năm. Kỳ hạn 15 năm đấu thầu thất bại. Ngày 28/07, KBNN huy động thành công 6.500/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 72%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 250/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 750/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 30 năm huy động toàn bộ lần lượt 2.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm giữ nguyên tại 1,32%/năm, kỳ hạn 10 năm tại 2,16%/năm (tăng 0,01%), kỳ hạn 15 năm tại 2,44%/năm (tăng 0,01%) và kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,05%/năm. Trong tuần qua có 5.620 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần này từ 02/08 – 06/08, KBNN và NHCSXH sẽ gọi thầu lần lượt 7.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng TPCP. Tuần này sẽ có 6.700 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.434 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 8.861 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tiếp tục ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt phiên 30/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,34% (không thay đổi); 2 năm 0,57% (không thay đổi); 3 năm 0,86% (-0,01 đpt); 5 năm 1,06% (không thay đổi); 7 năm 1,35% (+0,02 đpt); 10 năm 2,19% (+0,03 đpt); 15 năm 2,46% (+0,01 đpt); 30 năm 3,07% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán tuần từ 26/07 - 30/07, các chỉ số tăng điểm tích cực qua tất cả các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 30/07, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng tăng 41,22 điểm (+3,25%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng mạnh 13,08 điểm (+4,33%) lên 314,85 điểm; UPCoM-Index tăng 2,56 điểm (+3,03%) đạt 86,93 điểm
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 19.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 241 tỷ đồng trên 3 sàn.
Tin quốc tế
Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới ra ngày 27/07, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,0% trong năm 2021, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 đầu năm nay. Cơ quan này dự báo GDP thế giới năm 2022 tăng 4,9%; tăng 0,5 đpt so với dự báo trước. Đối với các quốc gia lớn, trong năm 2021, IMF dự báo GDP Mỹ tăng 7,0% (+0,6 đpt so dự báo trước); Eurozone tăng 4,6% (+0,2 đpt); Nhật Bản tăng 2,8% (-0,5 đpt); Anh tăng 7,0% (+1,7 đpt) và Trung Quốc tăng 8,1% (-0,3 đpt). Trong năm 2022, GDP Mỹ được dự báo tăng 4,9% (+1,4 đpt); Eurozone tăng 4,3% (+0,5 đpt); Nhật Bản tăng 3,0% (+0,5 đpt); Anh tăng 4,8% (-0,3 đpt) và Trung Quốc tăng 5,7% (+0,1 đpt).
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có cuộc họp CSTT trong tuần qua, đồng thời nước này đón nhiều thông tin cho thấy sự phục hồi đang giảm tốc. Đầu tiên, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC của Fed đã bỏ phiếu nhất trí không thay đổi LSCS ở mức từ 0,0 - 0,25% và chương trình mua trái phiếu hàng tháng 120 tỷ USD. Fed cho biết sẽ tiếp tục thảo luận việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong các phiên họp tới và sẽ cung cấp cho thị trường những tín hiệu rõ ràng trước khi thực hiện. Fed cũng nhắc lại tỷ lệ lạm phát cao hiện nay chỉ là kết quả của "các yếu tố nhất thời" và không phải là rủi ro đối với nền kinh tế hoặc các kế hoạch chính sách của cơ quan này.
Liên quan đến các thông tin kinh tế Mỹ, GDP của nước này trong quý 2 tăng 6,5%; nối tiếp đà tăng 6,4% của quý trước đó nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 8,5%. Tiếp theo, trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước Mỹ trong tuần kết thúc ngày 24/07 ở mức 400 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 419 nghìn đơn của tuần trước đó, tuy nhiên không đạt mức 382 nghìn đơn như kỳ vọng của các chuyên gia. Chỉ số giá tiêu dùng PCE (chỉ khảo sát trên đối tượng là người tiêu dùng) của Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng 5 và thấp hơn so với mức tăng 0,6% theo dự báo.
Ở thị trường bất động sản cho thấy sự hạ nhiệt rõ rệt, doanh số nhà chờ bán của nước Mỹ trong tháng 6 giảm 1,9% sau khi tăng mạnh 8,0% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Doanh số bán nhà mới tại quốc gia này ở mức 676 nghìn căn trong tháng 6, giảm khá nhiều từ mức 725 nghìn căn của tháng 5.
Tại Eurozone, GDP của khu vực này tăng 2,0% q/q trong quý 2 sau khi giảm 0,3% ở quý trước đó, cao hơn mức tăng 1,5% theo kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone tháng 6 giảm xuống còn 7,7% từ mức 8,0% trong tháng 5, tích cực hơn so với mức 7,9% theo dự báo. Tiếp theo, chỉ số giá tiêu dùng CPI sơ bộ tại Eurozone tăng 2,2% y/y trong tháng 6, cao hơn so với mức 1,9% của tháng 5 và đồng thời cao hơn mức 2,0% theo dự báo. Tại nước Đức, GDP của quốc gia này tăng 1,5% q/q trong quý vừa qua sau khi giảm 1,8% ở quý 1, thấp hơn mức tăng 2,0% theo dự báo. Niềm tin kinh doanh tại nước Đức ở mức 100,8 điểm trong tháng 7, giảm nhẹ từ mức 101,7 điểm của tháng 6, trái với kỳ vọng tăng lên thành 102,3 điểm.