Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 30/11-4/12
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/12 |
Tổng quan
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI 11 tháng năm 2020 vào Việt Nam mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn được coi là một thành tích khi số liệu tích cực trong bối cảnh những tác động tiêu cực của dịch covid-19 lên kinh tế thế giới, tuy nhiên các chuyên gia vẫn nhận định cách thức thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa cải thiện về thực chất.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%; có 5.812 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 2,7 tỷ USD và 4.277 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,8 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá lại việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong hơn 30 năm qua, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến trái chiều. Về mặt tích cực, FDI góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế khi hiện gần 60% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, công nghệ thông tin. FDI cũng đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Về phía doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ cũng có những cái nhìn tích cực khi 46% doanh nghiệp được hỏi có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam ngay trong giai đoạn tới; 20% doanh nghiệp cam kết tiếp tục duy trì đầu tư tại Việt Nam, khi có điều kiện sẽ đầu tư mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn thấy nhiều vấn đề cần khắc phục để sử dụng vốn FDI hiệu quả hơn cũng như thu hút được nhiều hơn nữa vốn FDI vào các ngành chủ yếu của nền kinh tế. Nhiều báo cáo tổng kết hàng năm và 5 năm của Chính phủ đã vạch ra được những nhược điểm rất lớn của FDI tại Việt Nam, tuy nhiên, qua thời gian, tuy có những cải thiện nhưng những khuyết điểm của hàng chục năm trước vẫn lặp lại, có thể kể đến như vốn mỏng, trốn thuế, chuyển giá, tác động lan tỏa thấp, công nghệ không như mong muốn… Các chuyên gia đánh giá rằng chất lượng FDI chưa đạt yêu cầu thể hiện ở 3 nhược điểm chính. Thứ nhất, trừ một vài dự án lớn trong đó có dự án 4 tỷ USD, còn lại bình quân chỉ 1-1,5 triệu USD. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, những dự án FDI có vốn đầu tư 1-1,5 triệu USD quá nhỏ. Ngoài ra, nếu là dự án về dịch vụ 1 - 1,5 triệu USD còn có thể chấp nhận được, nhưng nếu là dự án công nghiệp thì quy mô là quá nhỏ. Nhược điểm thứ hai là vắng bóng những dự án công nghiệp tương lai, hiện đại. Năm 2019, Hà Nội có một dự án về thành phố thông minh 4 tỷ USD do tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) góp vốn nhưng giờ vẫn chưa được triển khai. Thứ ba là Chính phủ chưa đưa ra ưu đãi cụ thể phù hợp với trình độ phát triển khác nhau của từng tỉnh, thành phố.
Định hướng cho thời gian tới, Chính phủ mới đây đã đề ra cách tiếp cận theo hướng thu hút những dự án công nghệ cao, nhất là những công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Fintech… Các mục tiêu cụ thể đối với FDI đã được đặt ra cho giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm: vốn đăng ký khoảng 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm); vốn thực hiện khoảng 100 đến 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025;.tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 đến 25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia nhắc lại 3 giải pháp đã từng được nói nhiều lần nhưng nhấn mạnh cần được thực hiện triệt để hơn. Thứ nhất, đó là chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng cơ sở tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, đảm bảo giá thuê hợp lý, không biến động để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm. Thứ hai là tăng cường đào tạo công nhân chất lượng cao, nhất là tại các trường dạy nghề. Thứ ba là cải cách và rút ngắn thời gian làm thủ tục để các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án hiện tại tại Việt Nam.
Tóm lược thị trường trong nước từ 30/11 - 04/12
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 30/11 - 04/12, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm ở hầu hết các phiên. Chốt phiên 04/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.142 VND/USD, giảm mạnh 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn khoảng 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.786 VND/USD.
Tỷ giá LNH tuần qua giảm mạnh phiên đầu tuần, sau đó chỉ giảm nhẹ và giữ ở mức thấp so với cuối tuần trước đó. Chốt phiên 04/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.130 VND/USD, giảm 18 đồng so với phiên 27/11.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua trong xu hướng giảm nhẹ. Chốt tuần 04/12, tỷ giá tự do giảm 35 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.180 – 23.200 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 30/11 - 04/12, diễn biến lãi suất VND LNH không thay đổi so với các tuần trước đó, vẫn chỉ biến động rất nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Chốt phiên 04/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,20% (+0,01 đpt); 2W 0,27% (+0,02 đpt); 1M 0,39% (+0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 04/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14 (-0,01 đpt); 1W 0,20% (không thay đổi); 2W 0,24% (-0,02 đpt) và 1M 0,37% (+0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 30/11 - 04/12, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN và NHCSXH đều gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu đạt mức 14.475 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 02/12, KBNN huy động được toàn bộ 12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu từng kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm tại 4.500 tỷ đồng, 6.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt tại 2,42%/năm (-0,06%); 2,62%/năm (-0,08%) và 2,98%/năm (-0,07%). Ngày 03/12, VBSP huy động toàn bộ 2.475 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu từng kỳ hạn 10 năm và 15 năm tại 1.000 tỷ đồng và 1.475 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,75%/năm (không đổi); 2,9%/năm (-0,02%). Trong tuần qua, lượng TPCP đáo hạn là 895 tỷ đồng.
Trong tuần này từ 07/12 - 11/12, KBNN và NHCSXH dự kiến gọi thầu 14.400 tỷ đồng (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này, lượng TPCP đáo hạn là 1 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.084 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 13.878 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 04/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,17% (không thay đổi); 2 năm 0,26% (không thay đổi); 3 năm 0,41% (+0,04 đpt); 5 năm 1,16% (-0,03đpt); 7 năm 1,37% (-0,05 đpt); 10 năm 2,39% (-0,04 đpt); 15 năm 2,58% (-0,07 đpt); 30 năm 3,18% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán tuần 30/11 - 04/12, các chỉ số thị trường biến động tích cực, thanh khoản tiếp tục tăng trên cả ba sàn. Kết thúc phiên cuối tuần 04/12, VN-Index tăng 11,27 điểm (+1,12%) đạt mức 1.021,49 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 4,31 điểm (+2,91%) dừng tại 152,48 điểm; UPCOM-Index tăng 1,82 điểm (+2,72%) lên 68,61 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt mức rất cao với giá trị giao dịch đạt gần 12.000 tỷ đồng/phiên. Có 3 phiên khối ngoại mua ròng trong tuần nhưng chốt tuần, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 35 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật kiểm soát các công ty Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed nhấn mạnh LSCS sẽ duy trì ở mức thấp. Ngày 05/12, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu các công ty nước ngoài nếu muốn huy động vốn đại chúng tại Mỹ buộc phải để Uỷ ban Giám sát Kế toán Công ty đại chúng Mỹ PCAOB giám sát kiểm toán báo cáo tài chính. Trước đây luật này đã được Thượng viện thông qua vào tháng 03/12, và tới thời điểm này chỉ chờ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ký để chính thức có hiệu lực. Các chuyên gia cho rằng Mỹ chủ yếu nhắm tới các công ty Trung Quốc, do phần lớn các công ty này không tuân thủ thông lệ và có những yếu tố không minh bạch. Cũng trong tuần qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Kinh tế Mỹ. Ông khẳng định, Fed sẽ không tăng LSCS đang ở mức 0,0% - 0,25% cho tới khi cơ quan này nhìn thấy được mức lạm phát thật sự đạt tới mục tiêu. Ông Powell cũng tiếp tục yêu cầu các nhà lập pháp Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế tiếp theo, đồng thời đề nghị duy trì chương trình cứu trợ CARES đã kích hoạt thứ tháng 03/2020 trong bối cảnh gói này vẫn còn tới 455 tỷ chưa sử dụng và thời hạn hiệu lực chỉ còn tới 31/12.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất của nước này được Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết ở mức 57,5% trong tháng 11, giảm so với mức 59,3% của tháng 10 và xuống thấp hơn dự báo ở mức 57,9%. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 55,9% trong tháng 11, giảm nhẹ từ mức 56,6% của tháng 10 và sát với dự báo ở mức 56,0%. Tiếp theo, liên quan đến thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 28/11 ở mức 715 nghìn đơn, giảm tương đối mạnh từ mức 787 nghìn đơn của tuần trước đó, và tích cực hơn dự báo ở mức 775 nghìn đơn. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 0,1% ở tháng trước đó. Lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này tạo ra 245 nghìn việc làm trong tháng vừa qua, thấp hơn nhiều so với 645 nghìn việc làm của tháng 10, đồng thời thấp hơn mức 480 nghìn việc làm mới theo dự báo. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ giảm xuống còn 6,7% trong tháng 11 từ mức 6,9% của tháng 10, tích cực hơn so với dự báo ở mức 6,8%.
NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS, đồng thời nước này khẳng định sự phục hồi tích cực của kinh tế nước này trong quý 3. Trong phiên họp ngày 01/12, RBA cho rằng kinh tế quốc nội Úc đang phục hồi tương đối tốt so với các nền kinh tế phát triển. Với tình trạng của của thị trường lao động và lạm phát hiện tại, RBA cho rằng vẫn cần duy trì các công cụ của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một thời gian nữa. Theo đó, NHTW này giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 0,1% cũng như các chương trình mua TPCP trong phiên họp cuối cùng của năm 2020. Liên quan tới chỉ báo kinh tế Úc, GDP của nước này phục hồi 3,3% q/q trong quý 3 sau khi suy giảm 7,0% ở quý 2, tích cực hơn nhiều so với mức phục hồi 2,4% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2019, GDP Úc vẫn suy giảm khoảng 3,8%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của Úc tăng 1,4% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 1,6% ở tháng trước đó, cao hơn so với mức tăng 0,5% theo dự báo. Cuối cùng, cán cân thương mại Úc thặng dư 7,46 tỷ AUD trong tháng 10, cao hơn mức thặng dư 5,82 tỷ của tháng 9 và cao hơn kỳ vọng thặng dư 5,83 tỷ.