Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 5-16/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/2 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Bộ Tài chính thông báo kế hoạch phát hành 400.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2024 qua Kho bạc Nhà nước, trong đó, quý I phát hành 127.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Kho bạc nhà nước đã huy động thành công 298.476 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao cho Kho bạc Nhà nước (305.000 tỷ đồng) và tăng 39% so với năm 2022. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 12,58 năm, vượt mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân 9 - 11 năm do Quốc hội đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15.
Kỳ hạn còn lại bình quân danh mục trái phiếu chính phủ là 9,05 năm. Kỳ hạn phát hành tập trung từ 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu chính phủ theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn, góp phần cơ cấu lại nợ công an toàn, bền vững.
Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2023 là 3,21%/năm, giảm 0,27% so với bình quân năm 2022 (3,48%/năm). Tổng khối lượng thanh toán trái phiếu chính phủ là 184.588 tỷ đồng, trong đó gốc là 100.966 tỷ đồng, lãi là 83.622 tỷ đồng. Trong năm 2023, trái phiếu chính phủ bảo lãnh đã phát hành được 21.250 tỷ đồng.
Sang năm 2024, Kho bạc Nhà nước cho biết, kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 400.000 tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn trong cả năm 2024 là 72.000 tỷ đồng.
Trong công văn mới đây về việc tổ chức điều hành ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng tổ chức thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường cho nhu cầu vay trong nước khoảng 127.000 tỷ đồng (bao gồm cả huy động cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trong quý I/2024. Việc huy động vốn sẽ tiếp tục được tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, đáp ứng mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ đạt từ 9 - 11 năm.
Có thể dự báo, hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2024 sẽ chịu nhiều yếu tố tác động. Cụ thể, các yếu tố chính sách tiền tệ trên trường quốc tế cơ bản sẽ thuận lợi, theo đó áp lực tỷ giá sẽ suy giảm trong năm nay. Trong nước, lạm phát cũng trong tầm mục tiêu. Như vậy, trạng thái chính sách tiền tệ hiện nay của NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2024 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh trái phiếu chính phủ.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ môi trường lãi suất thấp, lợi suất trái phiếu chính phủ có thể sẽ tiếp tục xu hướng dò đáy ít nhất trong nửa đầu năm 2024, sau đó tăng giảm đan xen ở nửa sau khi thị trường sôi động trở lại do các yếu tố tín dụng hay giải ngân đầu tư công được cải thiện.
Theo thông tin tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khối lượng huy động trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 16.502 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 13,35 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,19%/năm.
Cập nhật văn bản mới liên quan đến phát hành trái phiếu chính phủ, ngày 29/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định này hiệu lực thi hành từ 15/01/2024.
Theo Nghị định này, khi phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ, Kho bạc Nhà nước có thể chọn các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý, thay vì bán trực tiếp và thanh toán cho người mua như trước đây. Các ngân hàng thương mại muốn trở thành đại lý bán trái phiếu chính phủ phải đáp ứng các điều kiện là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; phải có chức năng cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của NHNN; phải có mạng lưới hoạt động đáp ứng việc phân phối và thanh toán trái phiếu chính phủ; phải có phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu chính phủ đáp ứng được yêu cầu của Kho bạc nhà nước đối với mỗi đợt phát hành.
Theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, việc quay lại phương thức bán trái phiếu chính phủ riêng lẻ là nhằm triển khai thực hiện trong những trường hợp cấp bách cần huy động nguồn lực toàn dân, bán lẻ trực tiếp đến các đối tượng doanh nghiệp và cá nhân.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 5-16/2
Thị trường ngoại tệ: Trong 05 ngày làm việc từ 5-16/2, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 16/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.971 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó 02/02.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.119 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng trong 5 phiên làm việc trước và sau kỳ nghỉ lễ. Kết thúc phiên 16/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.520 VND/USD, tăng 80 đồng so với phiên 2/2.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Chốt phiên 16/2, tỷ giá tự do tăng 145 đồng ở chiều mua vào và 185 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.950 VND/USD và 25.050 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, trong 05 ngày làm việc từ 5-16/2, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở 3 phiên trước Tết rồi giảm trở lại 2 phiên sau Tết ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 16/02, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,14% (-0,27 điểm phần trăm); 1 tuần 1,38% (-0,33 điểm phần trăm); 2 tuần 1,52% (-0,32 điểm phần trăm); 1 tháng 1,96% (+0,05 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng - giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 16/02, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,19% (+0,02); 1 tuần 5,29% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,33% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,40% (không thay đổi).
Trên thị trường mở qua 05 ngày làm việc từ 5-16/2, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất đều ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 2,28 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy NHNN hút ròng 2,28 tỷ đồng từ thị trường.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 7/2, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 7.670 tỷ đồng/8.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu là 96%. Trong đó, các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lượng trái phiếu chính phủ gọi thầu, lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm huy động được 170 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,40% (+0,01 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm 2,29% (+0,01 điểm phần trăm), 15 năm 2,49% (+0,01 điểm phần trăm) và 20 năm 2,65% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 21/2, Kho bạc Nhà nước chào thầu 8.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 3.000 tỷ đồng, 15 năm chào thầu 2.500 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong 05 ngày làm việc từ 5-16/2 đạt trung bình 4.421 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 13.266 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trong 05 ngày làm việc từ 5-16/2 biến động giảm nhẹ ở 3 phiên trước Tết sau đó tăng mạnh trở lại vào 2 phiên sau Tết đối với hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 16/2, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,17% (+0,05 điểm phần trăm); 2 năm 1,20% (+0,05 điểm phần trăm); 3 năm 1,23% (+0,04 điểm phần trăm); 5 năm 1,43% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 1,82% (-0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,31% (+0,01 điểm phần trăm); 15 năm 2,53% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,0% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong 05 ngày làm việc từ 5-16/2, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực với sự tăng điểm trên cả 3 sàn giao dịch. Chốt phiên 16/2, VN-Index đứng ở mức 1.209,70 điểm, tăng mạnh 37,15 điểm (+3,17%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,48 điểm (+1,08%) lên mức 233,04 điểm; UPCom-Index tăng 1,69 điểm (+1,91%) lên 90,06 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức trung bình tuy tăng khá so với tuần trước đó với giá trị giao dịch tăng lên 20.100 tỷ đồng/phiên từ mức 18.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 720 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần qua. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,3% và 0,4% so với tháng trước trong tháng Một sau khi cùng tăng 0,3% ở tháng trước đó, đều lớn hơn so với mức tăng 0,2% và 0,3% theo dự báo.
So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tăng 3,1% trong tháng Một, thấp hơn so với mức 3,4% ghi nhận ở tháng trước đó nhưng vẫn cao hơn mức 2,9% theo dự báo.
Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,5% m/m trong tháng 1 sau khi cùng giảm 0,1% ở tháng trước đó, mạnh hơn so với dự báo cùng tăng nhẹ 0,1%. So với cùng kỳ năm 2023, PPI toàn phần và PPI lõi tháng 1 lần lượt tăng 5,7% và 4,4%.
Tại thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ lần lượt giảm 0,8% và 0,6% so với tháng trước sau khi cùng tăng 0,4% ở tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2024, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 0,7%.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 10/2 ở mức 212 nghìn đơn, giảm xuống từ 220 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 219 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 218,5 nghìn đơn, tăng 5,8 nghìn so với bình quân 4 tuần liên trước.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng Một sau khi đi ngang ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng 0,2%.
Cuối cùng, chỉ số niêm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2 do Đại học Michigan khảo sát ở mức 79,6 điểm, tăng nhẹ so với mức 79 điểm của tháng 1 và gần khớp với mức 80 điểm theo dự báo. Trong tuần này, thị trường chờ đợi biên bản cuộc họp đầu năm 2024 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), được công bố vào sáng sớm ngày 22/2 theo giờ Việt Nam.
Nước Anh cũng đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS công bố GDP nước này giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng 12/2023 sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, gần khớp với mức giảm 0,2% theo dự báo. GDP của Anh quý IV/2023 cho thấy mức giảm 0,3% so với quý trước sau khi giảm 0,1% ở quý trước đó, sâu hơn mức giảm 0,1% theo dự báo.
Như vậy kinh tế Anh đang rơi vào suy thoái kỹ thuật khi suy yếu ở 2 quý liên tiếp, trong bối cảnh ngân hàng trung ương nước này áp dụng lãi suất chính sách ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 4,0% và 5,1% so với cùng kỳ trong tháng Một, cùng không thay đổi so với mức tăng của tháng trước đó, thấp hơn so với dự báo tăng 4,1% và 5,2%.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey nhận định áp lực lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt hơn những gì mà BoE dự kiến. Mặc dù vậy, ông cũng khẳng định vẫn chưa có những dữ liệu đủ tin cậy để BoE có thể thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ trong cuộc họp tiếp theo.
Cuối cùng, tại thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ toàn phần tại Anh tăng mạnh 3,4% so với tháng trước trong tháng Một sau khi giảm 3,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 1,5% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ tại Anh tăng nhẹ 0,7%, song vẫn thấp hơn khoảng 1,3% so thời kỳ trước đại dịch tại tháng 1/2020.