Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 6-10/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/5 Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 4 tháng năm 2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 4 tháng đầu năm tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 20/4, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, vốn đăng ký mới có 966 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 28,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 7,11 tỷ USD (tăng 73,2% so với cùng kỳ); vốn điều chỉnh có 345 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 10,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 1,23 tỷ USD (giảm 25,6% so với cùng kỳ); góp vốn, mua cổ phần có 902 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 13,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 929,6 triệu USD (giảm 70,1% so với cùng kỳ). Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 4 tháng đầu năm.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư nước ngoài tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng. Riêng 10 tỉnh, thành phố này đã chiếm 74,8% số dự án mới và 79,1% số vốn đầu tư của cả nước trong 4 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, các đối tác đầu tư lớn nhất trong 4 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 nước, vùng lãnh thổ dẫn đầu (Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã chiếm tới 73,1% số dự án đầu tư mới và 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Khu vực đầu tư nước ngoài ước tính xuất siêu 15,89 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 14,94 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu ước tính gần 8,6 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu ước khoảng 7,29 tỷ USD trong 04 tháng đầu năm.
Tính lũy kế đến ngày 20/4, cả nước có 40.049 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 478,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 303,46 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Phân tích về các yếu tố quyết định đến đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố tổng quát.
Thứ nhất, yếu tố khách quan bao gồm các yếu tố như tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam, xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các vấn đề về an ninh.
Thứ hai, yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư: Phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ phù hợp của từng địa bàn, từng khu vực, các nguồn lực triển khai…
Thứ ba, yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của nước nhận đầu tư trong thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới, bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Trong 3 yếu tố trên, Việt Nam chỉ có thể tập trung vào cải thiện yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam để đón các Nđầu tư nước ngoài. Về thể chế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đặc biệt, là các cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn, đặc biệt trong đó có ngành công nghệ cao như bán dẫn, điện tử, chip, ...
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành này như điện...
Về nguồn nhân lực, Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành kể trên.
Tóm lược thị trường trong nước từ 6-10/5
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 6-10/5, tỷ giá trung tâm tiếp chủ yếu được NHNN điều chỉnh tăng. Chốt ngày 10/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.271 VND/USD, tăng 26 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD - 25.450 VND/USD qua tất cả các phiên.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng trở lại trong tuần từ 6-10/5. Kết thúc phiên 10/5, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.452 VND/USD, tăng 46 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 10/5, tỷ giá tự do tăng 140 đồng ở chiều mua vào và 120 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.670 VND/USD và 25.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ từ 6-10/5, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 10/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,25% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tuần 4,43% (-0,19 điểm phần trăm); 2 tuần 4,66% (-0,07 điểm phần trăm); 1 tháng 4,80% (-0,03 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng - giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 10/5, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,25% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 5,31% (-0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 5,39% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,41% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở trên thị trường mở tuần qua từ 6-10/5, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 25.000 tỷ VND, lãi suất 4,25%. Có 7.337,87 tỷ đồng trúng thầu và 118.363,67 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 33.890 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất đi ngang ở 3,75%/năm, có 25.250 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 119.665,80 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành tăng lên mức 68.590 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 7.337,87 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 8/5, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.000 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 60%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 2.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.800 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 800 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 20 năm huy động được 400 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,69% (+0,03 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,58% (+0,03 điểm phần trăm), 15 năm là 2,75% (+0,02 điểm phần trăm), 20 năm là 2,83% (+0,03 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 15/5, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 2.000 tỷ, 7 năm và 15 năm cùng chào thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn, 10 năm và 15 năm cùng chào 3.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.619 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với mức 16.032 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 10/5, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,83% (-0,02 điểm phần trăm); 2 năm 1,85% (-0,02 điểm phần trăm); 3 năm 1,87% (-0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,03% (-0,05điểm phần trăm); 7 năm 2,27% (-0,03 điểm phần trăm); 10 năm 2,75% (-0,04 điểm phần trăm); 15 năm 2,97% (-0,03 điểm phần trăm); 30 năm 3,12% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán tuần từ 6-10/5, thị trường chứng khoán tiếp đà hồi phục. Chốt phiên 10/5, VN-Index đứng ở mức 1.244,70 điểm, tăng mạnh 23,67 điểm (+1,94%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 7,46 điểm (+3,27%) lên mức 235,68 điểm; UPCoM-Index tăng 1,94 điểm (+2,16%) đạt 91,72 điểm.
Thanh khoản thị trường có cải thiện, trung bình đạt gần 21.500 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 17.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Úc (RBA) cùng không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp đầu tháng Năm. Đầu tiên, về BoE, trong cuộc họp ngày 9/5, cơ quan này cho biết lạm phát tại nước Anh đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, từ đỉnh 11% ở năm 2022 hiện chỉ còn 3,2% trong tháng 3/2024.
Hội đồng Chính sách tiền tệ của BoE (MPC) tiếp tục khẳng định theo đuổi mục tiêu lạm phát 2,0%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động bền vững. Theo đó, MPC quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25%, không thay đổi so với trước, nhằm đạt được các mục tiêu kể trên.
Sau cuộc họp, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho rằng cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát ở mức thấp trước khi có thể cắt giảm lãi suất chính sách, và mọi thứ đang đi đúng hướng so với kỳ vọng.
Tại nước Úc, ngày 7/5, RBA cho rằng lạm phát đang ở mức vừa phải, và đang giảm tốc chậm hơn so với dự kiến. Lãi suất cao đang giúp đưa cung và cầu tiến gần đến mức cân bằng, tuy nhiên nhu cầu hiện vẫn vượt ở mức nhất định so với nguồn cung trong nền kinh tế. Thị trường lao động vẫn ở trạng thái thắt chặt dù đã được nới dần trong những tháng vừa qua. Tăng trưởng tiền lương của người lao động đang cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh, song vẫn có thể tiếp tục đi lên khi sản lượng kinh tế đang tăng trưởng.
RBA dự báo lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% - 3% vào năm 2025, dù trong ngắn hạn có thể tăng do giá xăng dầu trong nước tăng. RBA tiếp tục ưu tiên mục tiêu đưa lạm phát trở lại mục tiêu trong thời gian hợp lý, theo đó tiếp tục duy trì lãi suất chính sách ở mức 4,35%. RBA không đưa ra lộ trình điều chỉnh lãi suất chính sách, sẽ đưa ra các quyết định tiếp theo dựa vào dữ liệu thực tế trong tương lai.
Kinh tế Anh ghi nhận một số chỉ báo tích cực. Đầu tiên, GDP quý I của nước này tăng trưởng khoảng 0,6% so với quý trước sau khi suy giảm 0,3% ở quý cuối 2023, cũng vượt qua mức tăng 0,4% theo kỳ vọng. Tính riêng trong tháng Ba, GDP Anh tăng 0,4% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó và đồng thời tích cực hơn mức 0,1% theo dự báo. Sản lượng công nghiệp tại Anh trong tháng Ba cũng cho thấy mức tăng 0,2% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 1,0% của tháng Hai và trái với dự báo suy giảm 0,5%.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại Anh thâm hụt 14,0 tỷ GBP trong tháng Ba, tương đương mức thâm hụt 14,1 tỷ của tháng trước đó và thấp hơn một chút so với dự báo thâm hụt 14,5 tỷ.
Cuối cùng, theo khảo sát của S&P Global, PMI lĩnh vực xây dựng tại Anh ghi nhận mức 53,0 điểm trong tháng Tư, tăng khá mạnh từ mức 50,2 điểm của tháng trước đó và vượt so với dự báo ở 50,4 điểm. Đây là tháng ghi nhận sự mở rộng tích cực nhất đối với lĩnh vực xây dựng nước Anh kể từ sau tháng 2/2023.