Điện mặt trời ngóng cơ chế giá
Chốt cơ chế “thỏa thuận giá”
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa diễn ra vào đầu tuần, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, quan điểm của Bộ Công Thương trong dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) là cho phép mua bán điện mặt trời không giới hạn. Các bên tham gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành và truyền tải.
Cụ thể, các quy định về mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia đều được thể hiện chi tiết trong dự thảo. Theo đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát điện, không sử dụng lưới điện truyền tải và phân phối. Việc mua bán điện trong trường hợp này được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng.
Trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia sẽ áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát, thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường cộng với các loại giá dịch vụ (bao gồm: giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện, giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác). Đơn vị phát điện phải là điện năng lượng tái tạo mới được phép bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, cũng theo EVN, hiện nay Bộ Công Thương đã tiến hành xong các đợt tham vấn kỹ thuật. Quan điểm chung của ngành Công Thương là cho phép phát triển không giới hạn loại hình điện mặt trời mái nhà không đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Trường hợp cơ sở phát điện muốn nối lưới thì được ghi nhận số lượng điện phát vào hệ thống nhưng không được thanh toán. Tổng công suất điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện quốc gia được giới hạn không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (tức không vượt quá 2.600 MW).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, liên quan đến các Nghị định về mua bán điện mặt trời, điểm nổi bật nhất là Bộ Công Thương đã chốt được cơ chế giá thỏa thuận áp dụng đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà theo mô hình tự sản, tự tiêu, Bộ này bảo lưu quan điểm mua 0 đồng đối với các cơ sở phát điện mặt trời áp mái khi có nhu cầu đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu ở các khu vực đặc thù |
Cần tính toán giá mua phù hợp
Theo ghi nhận từ thị trường, thông tin về cơ chế mua bán điện theo thỏa thuận của Bộ Công Thương được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và trông đợi. Nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu cho rằng việc đẩy nhanh cơ chế DPPA sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng điện tái tạo sớm để đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể khi thực hiện lộ trình về chứng chỉ carbon và các cam kết xanh hóa sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành điện tái tạo, cơ chế giá thỏa thuận cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích cho các nhà máy điện cũng như tăng cơ hội tiếp cận “điện xanh” cho các doanh nghiệp các ngành nghề.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo có thể sẽ tăng chi phí lớn. Vì thế, trong thỏa thuận bán dịch vụ, có thể cộng thêm phí công suất, lúc đó giá bán điện trực tiếp có thể cao hơn giá hiện tại.
Mặc dù vậy, cơ chế mua điện thỏa thuận mà ngành Công Thương đưa vào trong dự thảo Nghị định cũng là bước tiến quan trọng về pháp lý được cộng đồng DN trông đợi với kỳ vọng có thể tiếp cận nguồn điện tái tạo với giá phù hợp và có sự cạnh tranh thay vì chỉ có thể mua điện từ bên bán duy nhất là EVN như hiện nay.
Riêng đối với các chính sách đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, các chuyên gia tại Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động của chính sách mua điện 0 đồng.
Theo đó, hiện nay hầu như tất cả các cơ sở điện mặt trời mái nhà đều có nhu cầu mua điện (ngoài phần tự phát) nên nhu cầu nối lưới là nhu cầu tự nhiên. Nếu nối lưới mà không phát điện vào lưới hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ phải lắp bộ chống phát ngược (zero export), dẫn đến lãng phí xã hội, đồng thời tạo ra nhiều bất lợi về kỹ thuật và khả năng vận hành lâu dài.
Các quy định liện quan đến giá mua điện đối với các cơ sở phát điện mặt trời mái nhà khi đấu nối vào lưới điện quốc gia cũng cần cân nhắc cụ thể về “lợi và hại” của sản lượng điện này. Trong chừng mực nào đó có thể xem xét, cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện.
Việc quy định “không thanh toán” “ghi nhận với giá 0 đồng” với quan điểm chống trục lợi chính sách về lâu dài sẽ không khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu” (Quyết định số 500/QĐ-TTg). Vì thế, cần có có quy định cụ thể về thời gian ngắn hạn áp dụng việc “không thanh toán” hoặc “không mua bán” với sản lượng điện này.
Ngoài ra, Nghị định cũng nên bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Chẳng hạn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi hoặc truyền tải điện khó khăn có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ, chẳng hạn khi phát vào lưới 3-4 kWh thì được trừ 1 kWh khi mua điện. Hoặc đối với các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có bộ lưu trữ, nên cho phép bán vào hệ thống điện trong giờ cao điểm từ 4-7 giờ chiều, và có thể giá cao hơn giá mua trung bình để khuyến khích lắp bộ lưu trữ điện, hỗ trợ hiệu quả hệ thống trong thời gian này.