Điều tiết thị trường bằng công cụ thuế
Tiếp tục giảm thuế kìm đà tăng giá xăng dầu | |
Gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt: Tác động đến đâu? |
Ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho biết, năm qua thu ngân sách từ đất của thành phố đạt hơn 17.500 tỷ đồng chiếm 6,96%, có sự chậm lại bởi hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) bị chững do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tính đến hết 4 tháng đầu năm 2022, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP.HCM có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố. Hoạt động chuyển nhượng BĐS đang diễn ra sôi động trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Tuy nhiên hiện nay, có nhiều trường hợp người nộp thuế kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí trước bạ (LPTB) theo giá trên Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá giao dịch thực tế để giảm số thuế TNCN, LPTB phải nộp, gây thất thu ngân sách. Cùng với đó, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế TNCN, LPTB. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện triển khai trong công tác đấu tranh chống thất thu, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Đồng thời có nhiều biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS, đặc biệt, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai gây sai lệch số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho ngân sách.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng BĐS, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó thuế TNCN 147 tỷ đồng, LPTB 33 tỷ đồng.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận định, hiện nay các vấn đề liên quan đến BĐS đang rất “nóng”. Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao để không thất thu ngân sách mà không làm “đóng băng” thị trường BĐS, phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược phát triển nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất… Bởi chính sách điều tiết phù hợp có vai trò vô cùng quan trọng, tác động thúc đẩy thị trường, kích thích nền kinh tế tăng trưởng, phát triển hoặc ngược lại sẽ trở thành “rào cản”, kìm hãm khiến thị trường “đóng băng”.
"Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì đối tượng chịu thuế cũng cần được nghiên cứu, khảo sát kỹ để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội thực tiễn, để đảm bảo tính đồng bộ, bình đẳng giữa các loại hình đầu tư" - Bà Cúc nêu ý kiến.
Đối với vấn đề thuế “đánh” vào BĐS, giao dịch BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi bổ sung cả về phương pháp tính thuế và miễn giảm thuế. Về phương pháp tính thuế, cần tính đến yếu tố đơn giản, dễ thu nhưng cũng cần đến yếu tố bình đẳng. Trong đó, đối với hoạt động chuyển nhượng có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, cơ sở pháp lý chứng minh hoạt động chuyển nhượng BĐS bị lỗ - chênh lệch âm giữa giá bán và giá vốn thì không nên thu.
Đồng thời, giá tính thuế đối với chuyển nhượng BĐS cần phải sửa đổi phù hợp, trên cơ sở giá chuyển nhượng thực tế. Tránh tình trạng làm hai hợp đồng khi chuyển nhượng để giảm nghĩa vụ, thậm chí trốn thuế. Chúng ta đang dần có kho cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế cũng như các cơ quan hữu quan ngày càng được hoàn thiện, dữ liệu về giá BĐS được công khai, dễ kết nối tra cứu... do đó cần quy định nguyên tắc giá giao dịch theo giá thị trường để tính thuế, không chỉ phụ thuộc và giá hợp đồng mua bán hoặc giá do UBND tỉnh thành công bố, nhằm khắc phục tình trạng thất thu thuế, lạm thu như hiện nay đang tương đối phổ biến.
Theo Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, để đảm bảo công bằng, minh bạch với các chủ đầu tư, phát triển dự án, cần sửa đổi bổ sung quy định về xác định chi phí được trừ đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Lưu ý các khoản chi phí đặc thù riêng có đối với hoạt động này như chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng… Đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi Luật thuế TNDN theo hướng: doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng BĐS nếu bị lỗ thì được bù trừ lỗ của BĐS vào hoạt động kinh doanh khác.
Hiện tại, hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản, đất đai rất cụ thể, tuy nhiên cần đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách điều tiết hiện hành liên quan đến nhà, đất, BĐS. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo mục tiêu của chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, đúng hướng.