Tiếp tục giảm thuế kìm đà tăng giá xăng dầu
“Điêu đứng” vì giá xăng dầu
Trải lòng trên trang Fanpage có hơn 40.000 người theo dõi, một cửa hàng bánh truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội vừa thông báo tăng giá bán hàng vốn đã luôn giữ bình ổn trong suốt 15 năm qua, lý do được đưa ra đó là do giá một số nguyên liệu tăng.
Không riêng cửa hàng này, hàng loạt các thương hiệu thực phẩm, đồ uống và đến các mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo… cũng đã đồng loạt tăng giá bán trong thời gian gần đây.
Đơn cử như từ đầu tháng ba vừa qua, nhà sản xuất thực phẩm ăn liền hàng đầu trong nước
Ảnh minh họa |
Acecook Việt Nam đã thông báo tăng giá bán đối với toàn bộ sản phẩm với tỷ lệ tăng khác nhau tùy theo sản phẩm. Tương tự, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A cũng đã tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure… Các hãng xe công nghệ cũng đã có động thái điều chỉnh giá dịch vụ để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải bộc bạch, tiền xăng dầu chiếm khoảng 35% chi phí hoạt động, giá xăng hiện nay đã đạt tới mức kỷ lục khiến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi vẫn chưa kịp “hồi sức” sau dịch bệnh. Khách chưa đông, giá dịch vụ không thể tăng quá nhiều, nhiều doanh nghiệp vừa làm vừa bù lỗ.
Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 10 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 4.700 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 7.780 đồng/lít. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đây là yếu tố chính khiến CPI tăng 2,09% so với tháng 12/2021.
Đặc biệt, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ mới nhất, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá bán xăng dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 11/5 với xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, lên mức 28.959 đồng/lít; xăng A95 tăng 1.554 đồng/lít, có giá bán là 29.988 đồng/lít. Với mức này, giá xăng A95 cao nhất từ trước đến nay.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, khi giá xăng dầu tăng 10% thì chỉ số CPI tăng khoảng 0,36%. Trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% và ga khoảng 1,45%. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới nền kinh tế.
Cần mạnh dạn giảm thêm thuế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ đầu tháng 4 nhưng theo các chuyên gia, vẫn không đáng là bao trước đà tăng giá của thế giới. Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã được sử dụng linh hoạt thế nhưng giá mặt hàng này vẫn đang leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giới chuyên gia nhận định, giá xăng dầu trong nước có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, đã đến lúc cần tiếp tục sử dụng công cụ thuế để kìm đà tăng của mặt hàng này.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phân tích, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu. Chính vì vậy, sau khi giảm thuế môi trường chúng ta có thể tính toán giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Thực tế, xăng dầu là mặt hàng thông dụng trong cuộc sống, thậm chí có thể bỏ loại thuế này.
Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách VEPR cũng cho rằng, trong bối cảnh xăng dầu tăng cao, quỹ bình ổn xăng dầu không còn dư địa để hỗ trợ, nên việc đề xuất giảm thuế môi trường 1.000 đồng trên mỗi lít xăng cũng không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022. Lý do quan trọng là so với việc giảm một mức cố định, việc giảm hoặc miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ đảm bảo tính linh hoạt hơn.
Song cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm quá nhiều thuế, phí xăng dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VEPR, thực tế là nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay đã tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng). Do vậy, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu nếu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu. Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Do đó cơ quan quản lý cần mạnh dạn miễn, giảm thuế để ổn định giá xăng dầu trong nước, đảm bảo không làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế.