Doanh nghiệp cần tập trung phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt: Phải từ nhận thức | |
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Thách thức và giải pháp | |
Đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc để "né" COVID-19 |
Tín hiệu đáng mừng
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, sau gần 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động này đang phát triển tích cực. Đặc biệt với các DN, việc TTKDTM đã trở thành nhu cầu tất yếu.
Nhận định về vai trò của TTKDTM đối với DN, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho rằng, một khi có phương tiện thanh toán hiện đại thay thế tiền mặt thì các lợi ích mang lại về thời gian, tài chính cho nền kinh tế là rất rõ ràng.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển ngày càng mạnh mẽ trong doanh nghiệp |
Cụ thể, TTKDTM thúc đẩy nhanh quá trình luân chuyển hàng hóa, tăng tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất, kinh doanh được trôi chảy, nhịp nhàng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giảm chi phí trong việc thu chi tiền mặt phải quản lý cất giữ.
Ngoài ra, việc phát triển TTKDTM cũng góp phần hoàn thiện hóa thương mại điện tử một cách đúng nghĩa khi giao dịch hoàn toàn qua mạng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, việc mua bán thanh toán trực tuyến ngày càng phát triển. Có thể khẳng định, TTKDTM là một ưu thế trong kinh doanh hiện nay của DN.
Thực tế cho thấy, TTKDTM đang phát triển mạnh mẽ tại các DN và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, bắt đầu từ năm 2017, hiện EVN đã mở rộng hợp tác với trên 30 ngân hàng và trên 10 tổ chức trung gian thanh toán để thu tiền điện của khách hàng mà không phải đến tận nhà như trước kia. Tỷ lệ hóa đơn, tiền điện thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% số hóa đơn năm 2015 đến 63,91% số hóa đơn vào năm 2019, phương thức không dùng tiền mặt là 54,64% về hóa đơn và 72,32% tiền điện năm 2019.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết, tổng công ty đã cung cấp cho người dùng những phương thức phù hợp để thực hiện thanh toán điện tử như: Internet banking, ví điện tử ViettelPay, đối soát công nợ tự động trên App và thực hiện thanh toán qua tài khoản ngân hàng cho khách hàng… Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, khuyến khích thanh toán trực tuyến, sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nhằm hạn chế thanh toán tiền mặt.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn cao, và ngay tại nhiều DN thì vấn đề này cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Về môi trường hoạt động, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn không ít trở ngại về thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến TTKDTM ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhiều khách hàng, nhất là khối DN.
Cụ thể là những bất cập giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; hay việc bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo… Trước thực trạng nói trên, cần có những nỗ lực mới ở cả chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển TTKDTM ở Việt Nam nói chung và TTKDTM trong DN nói riêng, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cũng cho rằng các dịch vụ đi kèm như hóa đơn điện tử, chữ ký số hiện còn nhiều vấn đề. Với DN nhỏ và siêu nhỏ, hạ tầng phục vụ TTKDTM cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ.
Đặc biệt theo bà Bình, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn đang là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện TTKDTM. DN nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế.
Nhận định về khó khăn khi triển khai TTKDTM trong DN, ông Trần Văn Trọng, Ủy viên BCH kiêm Chánh Văn phòng VECOM cho rằng, hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang có nhiều nhưng lại không đồng bộ dẫn đến lãng phí trong việc mở rộng thị trường và gây khó cho người sử dụng khi lựa chọn kênh thanh toán. Đa số DN chưa có nguồn lực, kinh nghiệm và chưa đủ mức độ quyết liệt triển khai TTKDTM. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cũng như giao dịch là một cản trở với các DN.
Từ đó, để thúc đẩy TTKDTM phát triển mạnh mẽ trong DN, ông Đinh Thanh Sơn cho rằng, cần phải tạo được sự tiện lợi và an toàn dựa trên các giải pháp công nghệ - tài chính. Các NHTM nên có những phương án giảm phí giao dịch chuyển tiền, hiện phí giao dịch thanh toán qua thẻ Visa/Master Card ở Việt Nam đang ở mức rất cao, dẫn đến người dân có tâm lý hạn chế thanh toán qua các loại thẻ này.
Ngoài ra, cần có các chính sách kích thích người dân sử dụng ví điện tử như các chương trình chiết khấu, chương trình liên kết giữa ví điện tử và DN, đặc biệt là DN thương mại điện tử. Đồng thời xây dựng QR Code dùng chung cho tất cả các ví điện tử tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán của người dân.