Doanh nghiệp châu Âu mong quy trình cấp giấy phép lao động linh hoạt hơn
Tại buổi Đối thoại chính sách 2024 diễn ra mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm Nguồn nhân lực, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chia sẻ thông tin phản hồi từ hơn 200 công ty châu Âu trong khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham cho thấy quy trình cấp giấy phép lao động tiếp tục là thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mong muốn điều chuyển các giám đốc điều hành và chuyên gia tới Việt Nam, những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn trong những ngành nghề nhất định.
200 công ty châu Âu trong khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham cho thấy quy trình cấp giấy phép lao động tiếp tục là thách thức. |
Mặc dù Nghị định 70 đã mang lại một số cải tiến, chỉ có 3% trong số doanh nghiệp được khảo sát báo cáo những thay đổi đáng kể trong quy trình cấp giấy phép lao động. EuroCham tin rằng có cơ hội để tinh giản các quy định về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam giúp quy trình này hiệu quả hơn và phù hợp hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu, gần hơn với cách hoạt động của bộ phận nhân sự tại các công ty đa quốc gia.
Theo ông Colin Blackwell, đối với các ngành công nghệ cao và tăng trưởng xanh, doanh nghiệp châu Âu mong muốn có sự linh hoạt trong các tài liệu cần thiết để cấp giấy phép lao động. Những ngành này đang phát triển nhanh chóng và có thể các bằng cấp, chứng nhận tiêu chuẩn chưa sẵn có tại Việt Nam. Sự linh hoạt trong quy định về tài liệu chứng minh bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực này này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực mới nổi này, điều vô cùng quan trọng đối với tương lai của đất nước.
Ngoài ra, quy định hiện hành đòi hỏi người lao động phải xin giấy phép lao động tại nơi dự kiến làm việc và cập nhật từng địa điểm làm việc khi người lao động được cử đi làm việc ở các địa phương khác nhau là không thực tế trong nhiều trường hợp.
Mặc dù Việt Nam đã quy định việc cấp một giấy phép lao động duy nhất cho nhiều địa điểm làm việc khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định này khó thực hiện trong nhiều trường hợp trong thực tế do thiếu hướng dẫn chi tiết. Do vậy, các công ty đã và đang đối mặt với nhiều thách thức khi xin hướng dẫn và đề nghị phê duyệt cấp giấy phép lao động tại Bộ.
Chính vì vậy, EuroCham cho rằng việc cấp một giấy phép lao động duy nhất tại địa điểm đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện báo cáo khi người lao động được cử đi công tác từ 30 ngày trở lên tại một địa phương khác sẽ hiệu quả và mang tính thực tiễn hơn.
“Hiện nay, tuy cùng một nội dung pháp luật nhưng các địa phương lại có thể có cách diễn giải khác nhau. EuroCham mong muốn các cơ quan địa phương thực hiện theo đúng khung pháp lý, đảm bảo rằng các quy được áp dụng thống nhất. Điều này sẽ tạo ra khả năng dự đoán tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau”, ông Colin Blackwell đưa ra khuyến nghị.
Đặc biệt, các doanh nghiệp châu Âu đến làm việc tại Việt Nam hi vọng thời gian tới quy trình xét duyệt trước khi tuyển dụng người nước ngoài sẽ ngày càng đơn giản hơn. Hhiện tại, yêu cầu là phải đăng tin tuyển dụng lao động Việt Nam tại trung tâm việc làm của tỉnh, sau đó là phê duyệt nhu cầu lao động nước ngoài tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Quy trình này thường rất phiền hà và tốn thời gian, nên cần xem xét lại bước này để giúp quy trình thực tế và hiệu quả hơn, đẩy nhanh quá trình phê duyệt cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Ngoài ra, đối với các dự án có tác động lớn cần ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động, nhất là các dự án có khoản đầu tư hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt. Việc cho phép các lựa chọn ưu tiên xử lý nhanh giấy phép lao động có thể giúp giảm thời gian chờ đợi và cho phép các giám đốc điều hành và chuyên gia bắt đầu công việc một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc xem xét các quy trình hành chính khác cũng rất cấp thiết, đặc biệt là sự thống nhất trong quy trình cấp thị thực và thẻ tạm trú giữa các tỉnh thành. Việc diễn giải pháp luật nhất quán giữa các cơ quan cấp tỉnh sẽ đảm bảo giảm thiểu sự chậm trễ trong hoạt động của các doanh nghiệp ở nhiều địa phương.
Các chuyên gia đến từ châu Âu cũng cho rằng, giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực quan trọng, nơi tạo ra tác động lớn đối với lực lượng lao động Việt Nam. Các trung tâm đào tạo ngắn hạn, chẳng hạn như trường dạy ngôn ngữ và trung tâm đào tạo kỹ thuật, rất cần thiết để phát triển lực lượng lao động địa phương. Các trung tâm này giúp trang bị cho lao động Việt Nam các kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh.
Sự tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế của đất nước. Khả năng nhanh chóng thành lập các trung tâm đào tạo sẽ tạo ra một đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, sẵn sàng hỗ trợ các ngành nghề từ sản xuất đến công nghệ. Điều này cũng sẽ giúp đảm bảo tính cạnh tranh của Việt Nam vẫn trên trường quốc tế bằng lực lượng lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của các doanh nghiệp hiện đại.
Dự báo, Việt Nam đang trên con đường phát triển mạnh mẽ, cùng với việc hợp lý hóa quy trình cấp giấy phép lao động, thị thực và thẻ tạm trú |
Dự báo, Việt Nam đang trên con đường phát triển mạnh mẽ, cùng với việc hợp lý hóa quy trình cấp giấy phép lao động, thị thực và thẻ tạm trú, điều chỉnh các quy trình cấp thị thực và hỗ trợ phát triển các trung tâm đào tạo, Việt Nam có thể nâng cao sức hấp dẫn của đất nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc hợp lý hóa các quy trình này sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp vào sự phát triển bền vững trong dài hạn.