Doanh nghiệp chuyển dịch nhanh sang năng lượng tái tạo
Doanh nghiệp rất quan tâm đến năng lượng tái tạo
Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo giờ đây không những trở thành nhu cầu tự thân, mà còn là con đường tất yếu của nhiều doanh nghiệp. Ông Shimada Takahiro - Tổng giám đốc KOA Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi buộc phải chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời để đáp ứng tiêu chí hướng đến kinh tế xanh mà tập đoàn đã đề ra.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà để chủ động nguồn cung điện năng cho sản xuất |
Với sự chủ động của các doanh nghiệp như vậy, trong khi theo quy hoạch điện 8, đến năm 2030 tỷ trọng điện năng lượng tái tạo chiếm gần 40% tổng công suất điện, thì căn cứ mục tiêu tổng quát của “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là có thể đáp ứng được, qua đó Việt Nam sẽ đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự ổn định của năng lượng tái tạo và khả năng kết nối để doanh nghiệp bán điện lên hệ thống vẫn là vấn đề đang còn nhiều băn khoăn. Ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Công ty Marvell Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vẫn còn e ngại về tính ổn định của nguồn điện năng lượng tái tạo, vì phụ thuộc vào thời tiết. Đặc điểm của năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió… là không được ổn định. Cần có một phương pháp hay một cách nào đó để cung cấp năng lượng hỗ trợ, bù trừ một cách linh hoạt những lúc năng lượng tái tạo không có được hay ở mức thấp.
Đồng quan điểm, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho biết thêm: Khi làm việc với Chính phủ để hiện thực hóa tương lai năng lượng Việt Nam, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì thấy rằng một số hạng mục cần phải xử lý ngay lập tức, như phê duyệt các dự án năng lượng quy mô lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như đem lại nhiều hàm lượng điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Theo đó, trong tương lai chắc chắn cần phải có các hợp đồng mua bán điện mà các nhà băng đánh giá là khả thi để đầu tư.
Hướng mở cho doanh nghiệp
Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), những khung chính sách, quy định pháp luật để tính toán giá, hợp đồng mua bán điện đang được Bộ Công Thương khẩn trương soạn thảo, hoàn thiện. “Tinh thần là năm 2024, với khung chính sách như thế thì có cơ sở để nhà đầu tư, đặc biệt bên tài trợ vốn sẽ có đủ cơ sở để triển khai dự án năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện 8”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.
Hiện tại, việc dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN đã được nêu tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về cơ chế mua bán trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), ngày 20/5/2024.
Tại dự thảo Nghị định cơ chế DPPA đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Bên cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng. Tức không bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối.
Trong cả hai trường hợp, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.
Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike muốn tham gia, bởi tổng lượng tiêu thụ điện bình quân của họ lên tới 500.000-1.000.000 kWh mỗi tháng.
Khảo sát cuối năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW; đồng thời, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán qua cơ chế DPPA và 17 đơn vị (2.836 MW) cân nhắc tham gia.
Bà Miro Nguyễn, đại diện AmCham đề nghị Việt Nam nên thực hiện DPPA theo cách mà toàn cầu đang áp dụng, đó là cho mua bán qua lưới quốc gia và trả phí cho EVN ở khâu truyền tải, phân phối. Mô hình này mang lại sự ổn định, đơn giản về cấu trúc và quy mô để dự án tái tạo phát triển hiệu quả.