Doanh nghiệp là một lực lượng thực hiện mục tiêu kép, không phải đối tượng bị kiểm soát
Đây là tọa đàm trực tuyến nhằm tìm ra các giải pháp để doanh nghiệp duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu chống dịch một nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn Covid-19 bùng phát hiện nay.
Ảnh minh họa |
Tại tọa đàm này, phía doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp nêu lên 4 vấn đề cần tháo gỡ để duy trì sản xuất kinh doanh: sớm tiêm vắc-xin cho người lao động; mô hình “3 tại chỗ” không thể kéo dài; quy định về hàng thiết yếu chỉ áp dụng để kiểm soát lưu thông ở khâu phân phối tới tay người tiêu dùng còn hàng hóa là đầu vào cho sản xuất không phân biệt đâu là hàng thiết yếu; và cần phải có kịch bản sống chung với dịch với sự chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về các biện pháp phòng dịch và duy trì sản xuất.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có hiệu quả trong phòng, chống dịch nhưng cũng đã tạo ra áp lực rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và đang làm tê liệt hoạt động sản xuất của 19 tỉnh phía Nam, làm ách tắc lưu thông hàng nguyên liệu sản xuất nhập khẩu lẫn hàng xuất khẩu đi.
Nếu không có sự hướng dẫn để thực hiện thống nhất, sản xuất sẽ đứt gãy, chuỗi cung đứt gãy, Việt Nam sẽ mất thị phần trên thị trường toàn cầu.
Phát biểu tại tọa đàm này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (VITAS), cho biết: “Có trường hợp doanh nghiệp của chúng tôi chuyển hàng từ nơi sản xuất A sang nơi vắt sổ cách đó không xa, chuyển hàng đi sang sở thêu đều không được vì đơn vị kiểm soát cho rằng đây không phải là hàng thiết yếu. Không vắt, không thêu là chuỗi sản xuất tiếp theo không có hàng làm, sản phẩm cũng không thể hoàn thành”, ông Giang chia sẻ.
Ngành dệt may đang đối diện với tình trạng sản xuất đứt gãy, hàng không giao đúng hạn. Nhiều đối tác nước ngoài chính vì lo không nhận được hàng đúng hạn nên đã rút đơn hàng từ Việt Nam đưa qua nước khác.
Nhưng không chỉ dệt may, Cũng do việc phân biệt hàng thiết yếu hay không, ngành chế biến thực phẩm và nhiều ngành nghề khác cũng đang bị gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên liệu chỉ vì, nguyên liệu không được coi là hàng thiết yếu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, kể câu chuyện có nơi đi làm từ thiện đặt 500 thùng mỳ tôm để giúp người nghèo, người khó khăn vì dịch bệnh nhưng doanh nghiệp không sản xuất được để đáp ứng. Lý do là trong gói mỳ tôm có các thành phần gồm mỳ, hành, tiêu, tỏi, ớt, bột ngọt, bột mỳ… trong khi những thành phần này được các chốt kiểm soát coi là hàng không thiết yếu, nên nguyên liệu không tới nhà máy được.
“Chúng tôi đã hỏi ý kiến các cơ quan chức năng của thành phố, cho phép chúng tôi sản xuất mà không có gia vị, hành... được không, các cơ quan chức năng họp bàn rồi không ai dám quyết cho chúng tôi đưa hàng ra khi bao bì in ghi rõ các thành phần còn thực tế thì thiếu hành”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Cũng theo bà Chi, nhiều doanh nghiệp đang đứt sản xuất vì quy định người dân không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau của TP.HCM, thực hiện từ ngày 26/7/2021 áp dụng cho mọi đối tượng. Các ca sản xuất đêm, đặc biệt với ngành hàng thực phẩm thì nguyên liệu tươi sống như gà lợn thường được giết mổ và vận chuyển trong đêm, vì thế mà bị ảnh hưởng, nhất là sản xuất của doanh nghiệp thực phẩm đảo lộn.
Góp thêm một thực tế cho thấy doanh nghiệp đã khó lại phải xoay mọi cách, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho biết các nông sản từ Đà Lạt vào TP.HCM phải đi vòng qua Nha Trang. Như thế vừa tăng thêm chi phí, mất thời gian, gây chậm trễ cung ứng và ảnh hưởng tới chất lượng hàng hoá.
Ngành chế biến thực phẩm đang đối diện nguy cơ không cung cấp đủ hàng cho thị trường trong vài tuần tới.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho rằng, cần thống nhất cách hiểu, phân biệt hàng thiết yếu, chỉ áp dụng quy định hàng thiết yếu ở khâu lưu thông cuối cùng tới người tiêu dùng, như thế mới giải tỏa được cho khâu sản xuất, mới bảo đảm nguyên liệu để không đứt gãy chuỗi sản xuất, hàng xuất khẩu cũng không bị ách tắc gây rủi ro đứt chuỗi cung toàn cầu.
Bên cạnh nỗi lo đứt gãy là vấn đề “3 tại chỗ”. “Sau 20 ngày thực hiện giải pháp “3 tại chỗ”, tâm lý của cán bộ công nhân viên đã nản. “3 tại chỗ” không phải là giải pháp tốt”, bà Chi nói.
Các ngành sản xuất điện tử, da giày, chế biến gỗ, thủy sản, vận tải… gần đây đều đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ nêu lên thực trạng chống dịch quá cứng nhắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Tại buổi tọa đàm của VCCI, một lần nữa các vấn đề này được nhắc lại. Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị sớm tiêm vắc-xin cho người lao động trong các nhà máy, và thực hiện đúng tinh thần như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, đó là không máy móc với "3 tại chỗ".
Hãy coi doanh nghiệp cũng là một lực lượng thực hiện mục tiêu kép, là lực lượng chống dịch và duy trì sản xuất, đừng coi họ là đối tượng kiểm soát như hiện nay. Hãy để cho doanh nghiệp chọn phương án sản xuất với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh. Không ai hiểu doanh nghiệp bằng doanh nghiệp nên ban chỉ đạo chống dịch cần có thêm đại diện doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng một khi đã gãy, đã mất rất khó khôi phục lại.
Doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị Chính phủ có kịch bản chống dịch thống nhất, thực hiện thống nhất trong cả nước và cần một chiến lược sống chung với dịch lâu dài, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, không để mất thị phần toàn cầu.
Phát biểu tại toạ đàm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết Chính phủ đang tích cực bàn các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, VCCI sẽ tập hợp ý kiến đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp và báo cáo tới Chính phủ.