Doanh nghiệp mong ngóng được giảm phí
Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Nhiều doanh nghiệp dược vượt khó bằng lợi thế riêng |
Giảm thuế, phí sẽ kích cầu nội địa
Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong các tháng cuối năm nay, nếu các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai giảm từ 10-50% mức thu các khoản phí, lệ phí như đề xuất của bộ này tại Công văn số 4296/BTC-CST sẽ tạo ra tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành hàng.
Bởi trong danh mục các loại phí, lệ phí được đề xuất giảm đợt này có nhiều khoản phí được giảm từ 30-50% và là các khoản phí, lệ phí mà hầu hết các doanh nghiệp đều phải nộp ngân sách, như: phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, phí khai thác sử dụng nguồn nước, phí công tác an toàn thực phẩm…
TS. Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng, chính sách giảm phí nếu được thực hiện ngay sẽ có tác động tích cực đến việc kích cầu tiêu dùng nội địa. Bởi các tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ở nhiều ngành hàng sụt giảm mạnh, giờ muốn phục hồi tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ cần tăng chi và giảm thu một cách thực chất.
Giảm 50% mức thu nhiều loại phí giá trị cao Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức phí nhiều lĩnh vực trong các tháng cuối năm 2023 sẽ được giảm 50% so với mức thu hiện hành, bao gồm các loại phí trong lĩnh vực chứng khoán, phí thẩm định cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, phí đăng ký sử dụng mã vạch, lệ phí sở hữu công nghiệp, lệ phí cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; phí trong chăn nuôi. Đáng chú ý, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% và áp dụng kể từ 1/7 đến hết năm 2023. |
“Việc tăng chi đầu tư công, sẽ kích thích thị trường, tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người dân. Việc giảm thu thông qua giảm thuế, phí, lệ phí sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của doanh nghiệp từ đó kích thích sản xuất, tiêu dùng nội địa”, ông Điền lập luận.
Thực tế, từ năm 2020 đến nay, chính sách giảm thu các loại phí, lệ phí đã được Bộ Tài chính thực hiệu quả theo những chỉ đạo của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm ngoái, Bộ Tài chính đã giảm 10-50% các loại phí, lệ phí, như: lệ phí cấp căn cước công dân; lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; lệ phí cấp văn bằng bảo hộ; phí xác minh giấy tờ, tài liệu… Trong đó, chính sách giảm 30% phí sử dụng đường bộ đối với ô tô vận chuyển hành khách và 10% đối với xe tải được người dân và doanh nghiệp đánh giá khá cao và mang lại hiệu ứng tích cực.
Nhiều loại phí, lệ phí giá trị cao được đề xuất giảm 50% trong năm 2023 |
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, trong các năm 2020-2021 số tiền phí, lệ phí đã thực hiện miễn giảm là khoảng 4.000 tỷ đồng; năm 2022 (do chỉ thực hiện đến hết tháng 6) được 900 tỷ đồng. Nếu chính sách giảm khoảng 35 khoản phí, lệ phí trong năm nay, dự kiến thu ngân sách của cả nước sẽ giảm khoảng 700 tỷ đồng. Như vậy, số tiền phí, lệ phí được miễn, giảm sẽ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023. Đây là số tiền có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh doanh nghiệp nhiều ngành nghề còn gặp khó khăn sau dịch Covid-19.
Nên kéo dài đến hết năm 2024
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, để chính sách giảm phí, lệ phí phát huy được hiệu quả cao nhất, Bộ Tài chính nên đề xuất kéo dài chính sách này đến hết năm 2024. Bởi hiện nay đã là gần giữa tháng 6/2023, nếu chính sách giảm phí được thông qua thì cũng cần khoảng 3 tháng để thực sự thẩm thấu và triển khai trên thực tế thì khá cập rập và khó phát huy hết tác động mong đợi.
Ở phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm thuế VAT và giảm các loại phí liên quan đến kiểm dịch gia cầm, sử dụng nguồn nước, thẩm định dự án sẽ có tác động trực tiếp đến nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi. Tuy nhiên, cần phải thực hiện đồng bộ và kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết năm 2024 hoặc dài hơn. Ngoài ra, theo ông Công các chính sách giảm phí, lệ phí và giảm thuế cần phải đi song song với hoạt động cải cách hành chính, tiết giảm các thủ tục đối với doanh nghiệp. Bởi hiện nay, để nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ ngân sách thì doanh nghiệp phải chuẩn bị, đáp ứng hàng loạt các thủ tục, giấy tờ rất phức tạp và rất mất thời gian.
Được biết, liên quan đến các đề xuất kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí, theo Bộ Tài chính trước mắt chương trình hỗ trợ này sẽ thực hiện trong các tháng cuối năm 2023. Quý IV năm nay Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét tình hình thu chi ngân sách nhà nước, đồng thời đánh giá khó khăn của doanh nghiệp thì có thể sẽ đề xuất tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong năm 2024.