Doanh nghiệp mua lại trái phiếu: Phù hợp với quy định mới
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại lên đến hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh nghiệp mua lại trái phiếu thời gian qua có nhiều công ty chưa niêm yết như: Công ty Azura mua lại 8.200 tỷ đồng, Yamagata mua lại 6.500 tỷ đồng, Osaka Garden mua lại 3.400 tỷ đồng, Bông Sen mua 2.400 tỷ đồng, cáp treo Bà Nà mua 2.250 tỷ đồng...
Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu đã phát hành còn nhằm giảm áp lực nợ đáo hạn. Đơn cử, Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ thông báo mua lại 400 ngàn trái phiếu trước hạn. Việc mua lại của doanh nghiệp này được chia ra làm nhiều đợt cho đến khi hết số lượng, dự kiến sẽ thực hiện từ 9-18/11.
Năng lượng Thiên Niên Kỷ phát hành lô trái phiếu vào tháng 10/2020, có giá trị 250 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/10/2026 với lãi suất được trả định kỳ hàng quý, do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bảo lãnh phát hành và là đại diện sở hữu trái phiếu. Việc mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn là nhằm mục đích giảm dư nợ trái phiếu. Một trường hợp khác, Công ty cổ phần Sunshine Homes cũng mua lại trước hạn toàn bộ 5 triệu trái phiếu đang lưu hành, tương đương tổng mệnh giá 500 tỷ đồng. Lý do mua lại trái phiếu là SCB - đơn vị bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu đang bị kiểm soát đặc biệt. Theo đó, Sunshine Homes - nhà phát hành phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc trong trường hợp người sở hữu trái phiếu có yêu cầu.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VCBS, tính đến hết năm 2022 trên thị trường sẽ có khoảng 85 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Con số này còn tăng trong giai đoạn 2023 - 2024 khi lên đến 790 ngàn tỷ đồng tương đương với gần 50% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong khi đó, FiinRatings đánh giá, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tính đến hết tháng 9/2022, khoảng trên 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 13% GDP năm 2021, trong đó số dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng.
Đánh giá từ các yếu tố như khối lượng trái phiếu đáo hạn, khả năng trả gốc, lãi trái phiếu và khả năng sử dụng vốn của các doanh nghiệp phát hành... các chuyên gia cho rằng cần giám sát chặt chẽ. Bởi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát sẽ mất thêm khoảng vài quý tới mới có thể phục hồi như trước năm 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải tạo thanh khoản cho thị trường để trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành.
Trong một trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và vẫn đang được thực hiện nghiêm túc. Bộ Tài chính đang tích cực giám sát, đảm bảo minh bạch, chuẩn mực của thị trường. Các công ty phát hành đều cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng, đến năm 2030 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt quy mô tương đương với khoảng 20%/GDP. Trong lộ trình phát triển cơ chế pháp lý sẽ ngày một hoàn thiện hơn và Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.