Doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn còn nhiều "nỗi lo"
Để có được kết quả khả quan này, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản coi thị trường nội địa là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Chính VASEP cũng có 1 câu lạc bộ doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội địa với 30 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có doanh thu ở nội địa chiếm 30-50% tổng doanh số.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản tập trung vào thị trường nội địa |
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại ngành thủy sản Việt Nam đã và đang có trình độ chế biến cao với nhiều sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư công nghệ, thiết bị để gia tăng các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao như dầu ăn, collagen, gelatin… đã được phát triển nhờ kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 và 12 tỷ USD và năm 2030, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới. Bên cạnh đó cần mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Ngành Thủy sản nỗ lực đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 |
Ông Vũ Đức Trí, Phó Tổng giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Việt Úc chia sẻ, các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn của chúng ta vẫn có nhất là các đơn hàng xuất khẩu cá tra và tôm. Trong nửa cuối năm 2024, xuất khẩu tôm hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh dự kiến tăng trưởng tới 15%.
Xuất khẩu tôm dự kiến tăng trưởng tới 15% trong nửa cuối năm 2024 |
Ông Ong Hang Văn, Phó Tổng giám đốc công ty thủy sản Trường Giang cho biết, cơ hội để ngành Thủy sản đạt được mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả thi. Việc quan tâm sát sao đến các thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời chú trọng đến thị trường nội địa trong thời điểm hiện tại chính là lợi thế để các doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Những việc cần làm ngay đó là, giảm khai thác nguồn tài nguyên từ biển xuống còn 3,68 triệu tấn, chú trọng đến truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, sản xuất phải được liên kết trong chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng số để cải thiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và tăng cường kiểm tra các quy định về khai thác là giải pháp quan trọng để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý. Phát triển kinh tế biển một cách bền vững bằng cách tăng cường các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu chính là chiến lược dài hạn để đối phó với các thách thức như sự suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản và cảnh báo thẻ vàng của EC, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.