Doanh nghiệp nhỏ được gì trong thương mại kỹ thuật số?
Chương trình sẽ bao gồm: tạo cơ hội cho DN tiến đến kỹ thuật số, khuyến khích thanh toán kỹ thuật số, hỗ trợ các DN có những sản phẩm và dịch vụ mới trong thúc đẩy kinh doanh thời hậu khủng hoảng dịch bệnh.
Theo đó, Visa phát triển hệ thống dữ liệu ở trên 20 quốc gia để DN có thể dễ dàng tiếp cận thông tin bán hàng và thanh toán không dùng tiền mặt trên diện rộng thông qua việc phát hành thẻ Visa DN để các công ty có thể tối ưu hóa các hoạt động quản lý vốn lưu động, tiếp thị số… Cùng với đó, Visa cũng đưa ra các hình thức thanh toán mới không cần đến điểm bán hàng mà có thể thanh toán chạm trên điện thoại di động để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và ủng hộ DN nhỏ đồng thời chuyển dịch hoạt động kinh tế tự do giữa đô thị và nông thôn.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, thông qua kết hoạch toàn cầu, Visa sẽ hỗ trợ các DN nhỏ trong nước giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19. Hơn nữa loại hình DNNVV chiếm đến 98% tổng số DN Việt Nam và đóng góp khoảng 40% GDP cả nước nên lúc này rất cần sự giúp đỡ.
Nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng và các DN nhỏ thực hiện thanh toán kỹ thuật số dễ dàng, thuận tiện, Visa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với NextPay để cung cấp giải pháp thanh toán kỹ thuật số thông qua công nghệ đọc thẻ mPOS với mục tiêu phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam đến năm 2023. Mới đây, tổ chức chuyển mạch thẻ thanh toán đã hợp tác NextPay cung cấp miễn phí 100 thiết bị mPOS cho 100 tiểu thương và các DN nhỏ đầu tiên đăng ký tham gia chương trình “Ngày không tiền mặt”, giảm giá 50% thiết bị mPOS và tặng kèm một năm sử dụng NextShop phần mềm quản lý kinh doanh cho các điểm chấp nhận thanh toán khác đăng ký sau đó. Các điểm chấp nhận thanh toán cũng nhận được giảm giá 70% khi đăng ký mua gói dịch vụ NextShop trong ba năm.
Thế nhưng, hoạt động mua bán hàng online đến nay mới chỉ dừng lại ở những thiết bị thanh toán kỹ thuật số như thẻ, ví điện tử, ứng dụng trên điện thoại di động. Trong khi điều quan trọng nhất là hệ thống vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến các kho của nhà thương mại điện tử vẫn còn phải nói nhiều, khi mà chi phí logistics rất cao. Đơn cử, như 1 kg vải thiều Lục Ngạn bán qua các siêu thị Co.opMart ở Hà Nội với TP.HCM đã chênh lệch nhau đến 6.000 đồng/kg do quá trình vận chuyển vải thiều vào miền Nam chịu chi phí lớn làm cho giá vải thiều đến tay người tiêu dùng rất cao. Trường hợp 1 kg vải thiều bán trong siêu thị ở nước Nhật có giá từ 180.000-270.000 đồng nhưng thực tế người trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương không thu thêm được tiền khi vải được bán ở TP.HCM, Nhật Bản.
Thêm một vấn đề nữa là giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg vải thiều ở Nhật Bản nhưng cũng chỉ tiêu thụ thí điểm được 1,2 tấn vải thiều Việt Nam, trong khi ngay trong ngày hệ thống siêu thị Co.opMart mở bán vải thiều Lục Ngạn thanh toán bằng ví điện tử MoMo đã tiêu thụ được 7 tấn vải thiều. Điều này càng cần các cơ quan hữu quan cân nhắc phát triển hệ thống giao hàng cho những sản phẩm trái cây có tính thời vụ nhanh chóng tiện lợi với chi phí thấp để thúc đẩy thị trường trong nước. Trong khi mùa vụ của vải thiều diễn ra trong thời gian rất ngắn chỉ khoảng từ 1 - 1 tháng rưỡi, do đó, nguồn cung cũng sẽ biến động theo thời điểm đầu mùa, giữa mùa và cuối mùa, cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường…
Theo thống kê của Sài Gòn Co.op trong tháng 6 riêng mặt hàng vải thiều bán online thanh toán ví điện tử MoMo chiếm 20% tổng sản lượng mặt hàng này bán ra. Tương tự, thanh toán qua ví điện tử MoMo, giá gạo ST Xuân Hồng cũng đang được bán ở mức 170.000 đồng/gói 5kg - đây cũng là mức giá tốt nhất trên thị trường và ưu đãi hơn khi mua tại hệ thống siêu thị Co.opMart TP.HCM và Hà Nội.
Tuy nhiên, hoạt động bán hàng giảm giá này mới chỉ là hoạt động chia sẻ chi phí giữa nhà thương mại với nhà cung ứng dịch vụ thanh toán, để phát triển thương mại kỹ thuật số cần rất nhiều các DN cùng tham gia và đặc biệt là sự đồng hành của nhà nước trong việc hỗ trợ xây dựng kho bãi cho mua bán online và giảm chi phí vận tải người làm ra hàng hóa mới có thể tăng thu nhập và người tiêu dùng không phải gánh chịu chi phí vận chuyển quá lớn trên mỗi mặt hàng tiêu dùng.