Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm: Người lao động bức xúc và sốt ruột
Nợ đóng bảo hiểm hàng nghìn tỷ
Anh Vũ Quốc Hiến, nhân viên lái xe của một công ty tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, được tuyển dụng từ tháng 5/2021 với mức lương 10 triệu đồng/tháng, hàng tháng doanh nghiệp vẫn trích lương để thu tiền BHXH của anh. Tuy nhiên đến tháng 6/2022, anh sử dụng thẻ BHYT đi khám bệnh thì không thể thực hiện và được thông báo doanh nghiệp chưa đóng BHXH, BHYT cho anh. Đó cũng là lý do mà quyền lợi về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi anh nghỉ việc đã bị ảnh hưởng... Hiện doanh nghiệp vẫn còn giữ sổ BHXH và các giấy tờ cá nhân khiến anh gặp rất nhiều khó khăn sau khi nghỉ việc.
Không chỉ riêng anh Hiến mà hàng trăm nghìn lao động trên cả nước cũng gặp phải tình trạng này. Đơn cử vào tháng 5/2022, hơn 1000 người lao động của Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific đã ngừng việc tập thể vì doanh nghiệp chậm chi trả các chế độ phúc lợi cho người lao động, dù công đoàn cơ sở đã 5 lần thương lượng vấn đề này với Ban giám đốc.
Trước đó, hơn 200 công nhân lao động tại Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội bị nợ lương, nợ BHXH giai đoạn 2019 - 2020 cũng đã ngừng việc tập thể nhằm đòi quyền lợi hợp pháp, khiến doanh nghiệp này thiếu hụt lượng lớn lao động.
Nhiều doanh nghiệp chậm chi trả các chế độ phúc lợi cho người lao động. |
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến đầu tháng 6/2022, tổng số nợ các loại bảo hiểm là 24.576 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,6% số phải thu, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 3.500 tỷ đồng là của các doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam không có khả năng trả nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh - vùng kinh tế trọng điểm thu hút nhiều lao động nhất cả nước, có hơn 46.000 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT... với tổng số 3.873 tỷ đồng của 703.840 lao động, tăng 1.632 tỷ đồng so với năm 2021.
Quyết liệt vì quyền lợi người lao động
Chỉ ra một số nguyên nhân khiến tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT... ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, thì có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật hiện hành, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Trong khi đó, mức phạt tối đa cho hành vi chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động còn thấp, tối đa không quá 75 triệu đồng, tính thêm cả tiền lãi do chậm đóng vẫn thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, nên chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ BHXH, BHYT... đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp. Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực. Việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn không bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định việc xử lý đối với trường hợp này.
Để giải quyết tình trạng trên, cơ quan bảo hiểm các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Tại Đồng Nai, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết, địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền hàng trăm tỷ đồng, trong đó, không ít doanh nghiệp nợ với số tiền lớn (trên dưới 10 tỷ đồng), thời gian dài. Để nhanh chóng khắc phục, đơn vị từ phối hợp cùng ngành chức năng tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo hiểm tại hơn 300 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khắc phục gần 55 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Thanh Hóa còn triển khai ứng dụng đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ; tiếp tục hướng dẫn phối hợp bổ sung, xác thực thông tin người tham gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng phương án hướng dẫn các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong thời gian tới, ông Lê Bá Toàn, Phó giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị sẽ đôn đốc thu, giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT... phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian kéo dài; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT... nhằm hướng đến mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trong ngắn hạn. Để đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, hạn chế thấp nhất hậu quả, gây ra thiệt hại cho người lao động trong thời gian tới, một chuyên gia đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc kê khai, thu, nộp BHXH; giảm tối đa thủ tục và chi phí cho người sử dụng lao động trong việc kê khai và nộp BHXH cho người lao động; xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động thu, chi và quản lý quỹ BHXH.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các cơ quan thông tin truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT... cho người lao động và người sử dụng lao động.