Doanh nghiệp thủy sản lạc quan vào cuối năm
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, các thị trường lớn nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ đầu quý III/2020 đếu có sự tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cũng lạc quan vì sự phục hồi của thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2020 này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thủy sản tăng cường chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao (thủy sản đóng hộp, ăn liền, khô, sấy…) đón đầu nhu cầu sẽ tăng cao sau đại dịch của người tiêu dùng toàn cầu, thay vì chỉ chế biến hàng đông lạnh, tươi sống.
Các thị trường lớn nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ đầu quý III/2020 đều có sự tăng trưởng ổn định |
Đánh giá về thị trường, theo ông Trương Đình Hòe thì từ quý III/2020, tình hình xuất khẩu sang một số thị trường sẽ ổn định dần. Trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hong Kong và Mỹ, do đó tình hình xuất khẩu nhiều khả năng sẽ phục hồi tốt. Dự kiến, với đà tăng trưởng mạnh trong các tháng gần đây, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản Việt Nam trong năm nay và sẽ bù đắp phần đáng kể cho sự sụt giảm tại các thị trường châu Âu (EU) và Mỹ. Cụ thể, hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam là cá tra và tôm tại các thị trường lớn đều tăng. Như mặt hàng cá tra, trong 8 tháng qua, đầu ra cá tra khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó, có sự cạnh tranh của những quốc gia khác tăng cường nuôi cá tra trong mấy năm gần đây, nên các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, EU giảm đến 57,6% và thị trường lớn khác của cá tra Việt là ASEAN cũng giảm 36,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng mặt hàng tôm, có khả năng giá tôm tiếp tục duy trì ở mức tốt và xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt trong tháng tới. Cùng với đó, xuất khẩu tôm cũng được dự báo có nhiều cơ hội hơn sau dịch bệnh, bởi các nước cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang gặp khó khăn do giãn cách xã hội, đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam nhiều hơn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm, thuộc Vasep đánh giá, khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng trên thế giới cũng có sự thay đổi. Đó là tăng tiêu dùng thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói… nói chung là sản phẩm chế biến sâu và đồ hộp. Cụ thể, như nhóm cá tra, hiện doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm là bao tử cá tra phile đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh…. Và các thị trường lớn tiêu thụ nhóm sản phẩm cá tra này là Mỹ, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hồng Kông. Đối với mặt hàng tôm, do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 được đánh giá hiệu quả hơn so với các nước đối thủ cạnh tranh, nên khách hàng có xu hướng chuyển sang nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Đến nay, Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 22,8% lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Và tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ, do ổn định sản xuất, trong khi các nguồn cung Ấn Độ và Ecuador vẫn đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh. Hàn Quốc cũng tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, với các sản phẩm tôm chân trắng sushi đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm xẻ bướm, tôm sú tẩm bột... Đặc biệt, thị trường Hàn Quốc rất ưa chuộng sản phẩm tôm khô ăn liền của Việt Nam, trong 8 tháng/2020 các doanh nghiệp đã xuất sang Hàn Quốc tăng lượng tôm khô tăng đến 194%. So sánh các lợi thế về thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với các nước Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ecuador... đặc biệt với hai mặt hàng thế mạnh là cá ba sa và tôm, trong quý IV/2020 xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định. Bởi nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ hiện nay chủ yếu vào kênh bán lẻ, thương mại điện tử và giao hàng tại nhà vẫn ổn định.
Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng năm bắt được thị hiếu tiêu dùng mới, nên khi đưa hàng sang các thị trường lớn như Nhất Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là thị trường Mỹ, đều tập trung vào các sản phẩm tôm chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng, bao bì đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế để phù hợp nhu cầu thị trường. Vasep cũng dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2020 vào thị trường Mỹ sẽ tăng 20% so với năm 2019.