Doanh nghiệp Việt tìm cách mở rộng thị trường ra nước ngoài
Nghiên cứu được thực hiện trên kết quả khảo sát 505 doanh nghiệp trên cả nước với phần lớn tập trung tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo UOB, với nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài, các doanh nghiệp đang quan tâm nhiều đến các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới. Cứ 10 doanh nghiệp có 6 đơn vị tỏ ra rất quan tâm đến việc sử dụng các nền tảng thương mại kĩ thuật số.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn cho biết động lực mở rộng ra nước ngoài để tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận và xây dựng thương hiệu với tư cách là một doanh nghiệp quốc tế.
Ngân hàng của Singapore này cho biết 72% doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến khu vực Đông Nam Á cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Thái Lan, Singapore và Malaysia là những điểm đến ưa thích trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp mở rộng ra thị trường nước ngoài cũng gặp một số thách thức, như thiếu khách hàng ở các thị trường mới, khó tìm được đối tác phù hợp để hợp tác, thiếu nhân sự và chuyên môn nội bộ để thúc đẩy mở rộng thị trường ra nước ngoài.
“Chúng tôi hiểu những thách thức các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tiếp cận thị trường nước ngoài và hợp tác chặt chẽ với họ để hỗ trợ giảm thiểu các rủi ro cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp về quy định. Với nhiều nguồn lực như tài trợ thương mại, các giải pháp quản lý tiền mặt cùng các nền tảng kỹ thuật số, chúng tôi giúp tạo dựng nền móng vững chắc để doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài”, bà Phạm Như Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng bán buôn, Ngân hàng UOB Việt Nam, nói.