Thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác để mở rộng thị trường
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 19/3) liên quan đến lĩnh vực ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ đã tập trung triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương nhằm thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu.
Cần tìm ra những đột phá để mở rộng thị trường |
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do với 68 đối tác trên thế giới để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Hiện nay, chúng ta có quan hệ ngoại giao với 193/193 nước thành viên của Liên hợp quốc. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, đối tác chiến lược với 4 nước. Chúng ta đã nâng tổng cộng cả đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện được 11 nước và 13 nước đối tác toàn diện.
Trong các đối tác chiến lược, vừa qua khi triển khai nâng cấp quan hệ với các đối tác, có một số nội hàm chúng ta rất quan tâm với các đối tác quan trọng. Một, chúng ta tạo dựng được sự tin cậy chính trị cao hơn với các nước khác. Hai, từ những thế mạnh của từng đối tác chúng ta thiết lập khuôn khổ để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo của chúng ta với các đối tác sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Ba, chúng ta cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của ta với các đối tác.
Cụ thể như với các bạn Trung Quốc gần đây, chúng ta tìm đột phá là tăng cường kết nối về hạ tầng, trong đó hạ tầng về đường sắt giữa các tỉnh phía Bắc nước ta liên thông vào không chỉ trong sâu nội địa Trung Quốc mà cả sang các nước Trung Á và sang Đông Âu, Liên Xô. Nếu hạ tầng này kết nối tốt, hàng hóa của chúng ta không chỉ sang Trung Quốc ở các tỉnh biên giới mà sâu trong nội địa và sang các nước Trung Á.
Với Hoa Kỳ, đột phá của chúng ta sẽ đi vào các ngành công nghiệp bán dẫn, hai bên cũng đã thỏa thuận với nhau việc Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam để xây dựng hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, chúng ta còn tiếp tục củng cố hợp tác về thương mại và đầu tư…
Với nước Úc, chúng ta cũng chọn 2 đột phá trọng tâm. Một là, hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao. Hai là, hợp tác về giáo dục đào tạo. Với Nhật Bản, ngoài những lĩnh vực như truyền thống cũ là hợp tác ODA, hiện nay chúng ta cũng phải vận động và cùng với Nhật thỏa thuận khoản ODA thế hệ mới phải ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân và hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng…
Về giải pháp hợp tác nhằm khai thác khu vực Trung Đông, Châu Phi, Bộ trưởng cho biết, đây là khu vực sở hữu nhiều quỹ đầu tư nhất, các quỹ đầu tư nhà nước và khu vực có tổng tài sản khoảng 3.700 tỷ USD, 4/10 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới cũng nằm ở khu vực Trung Đông - Châu Phi. Khu vực này có thị trường giàu tiềm năng 70 nước và vùng lãnh thổ, với số dân 1,9 tỷ và tổng GDP khoảng trên 8.000 tỷ USD, chiếm 60% trữ lượng dầu mỏ và 45% trữ lượng khí đốt thế giới. Đây là khu vực cực kỳ tiềm năng, chính vì thế vừa qua ASEAN đã tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN và vùng Vịnh. Thủ tướng Chính phủ cũng tham dự hội nghị này, và đây chính là đột phá vào thị trường Trung Đông.
Khu vực Trung Đông là thị trước xuất khẩu rất tiềm năng, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng châu Phi.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi như đồ gỗ các loại… Đồng thời với đó kêu gọi đầu tư các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm của Việt Nam như logistics, hạ tầng, năng lượng tái tạo và chế biến thực phẩm tại các tỉnh của nước ta.