Đối phó với tội phạm công nghệ cao
Ảnh minh họa |
Ông Arn Vogels, Trưởng đại diện của MasterCard tại Việt Nam, cho biết việc phối hợp với C50 nhằm chống lại nạn tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam, qua việc cung cấp máy MFR sẽ đẩy nhanh quy trình điều tra tội phạm, giúp chủ thẻ có thể thanh toán an toàn, bảo mật hơn.
Trước đó, một tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ quốc tế khác là Visa cũng đã đưa ra công nghệ bảo mật cho thẻ nhằm chống lại tội phạm thẻ, đó là công nghệ thẻ chip EMV, công cụ mã hóa và mã hóa điểm – điểm. Đây là công nghệ quan trọng để tăng cường an ninh tại các điểm bán, trong khi thẻ sẽ giúp duy trì bảo mật cho các thanh toán trực tuyến và trên điện thoại di động.
Công nghệ EMV có khả năng phân tích đến 500 thuộc tính rủi ro của một giao dịch bất kỳ để xác định gian lận trong vòng vài giây, đây là một phần của hệ thống đa tầng nhằm đảm bảo an ninh thanh toán.
Thực tế cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế lại chú trọng đầu tư vào công tác an ninh, bảo mật an toàn cho chủ thẻ, bởi lý do tội phạm công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cả nước đã phát hiện, xác minh và phối hợp điều tra gần 1.500 vụ việc, thu hồi hơn 100 tỷ đồng và hàng ngàn máy tính, máy móc chuyên dụng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Điều đáng nói, các vụ án đã được phát hiện, tuyên truyền rộng rãi về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan điều tra đã phát hiện 242 vụ, tăng hơn 21,6% so với cùng kỳ.
Vừa qua, một số ngân hàng như Vietcombank, Maritime Bank, Sacombank... cũng liên tiếp phát đi thông báo về thủ đoạn lừa đảo qua dịch vụ ngân hàng điện tử. Các ngân hàng ghi nhận không ít trường hợp giao dịch giả mạo ngân hàng điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau, như giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin thông báo khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại, trúng thưởng...
Hoặc giả mạo thông báo tài khoản ebanking của khách hàng bị xâm nhập, sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại. Giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền...
Theo Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người sử dụng thẻ cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngân hàng cung cấp dịch vụ, lưu ý bảo mật thông tin về tên, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch dùng một lần, không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào qua điện thoại, email, mạng xã hội.
Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử cũng như mật mã email cá nhân, khách hàng cần thay đổi thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động cho các lần sau. Khi dùng, cần vào trực tiếp địa chỉ trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy...