Đổi từ lấy chip, thêm nhiều lợi ích
Chuyển đổi trách nhiệm đối với giao dịch giả mạo liên quan đến thẻ nội địa | |
Triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chíp nội địa | |
Thẻ từ ATM trước giờ chuyển đổi |
90% máy chấp nhận thẻ chip
Ngày 30/11 vừa qua, NHNN đã ban hành văn bản số 8458/NHNN-TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa với chủ trương thúc đẩy tiến trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, tăng cường độ bảo mật, an toàn; đồng thời tăng độ trải nghiệm, thêm nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.
Theo các NHTM, đến thời điểm này các ngân hàng đã cơ bản chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip công nghệ mới. Thời gian qua các ngân hàng có nhiều hình thức nhắc khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, như cài đặt lời nhắc trên hệ thống máy ATM, gửi tin nhắn SMS, khuyến mãi tặng quà khi đổi thẻ từ sang thẻ chip… Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn cho phép khách hàng sử dụng điện thoại smartphone khai báo thông tin trên App ngân hàng điện tử để đổi thẻ, sau đó nhân viên ngân hàng đến tận nhà giao thẻ chip, thu hồi thẻ từ miễn phí. Một số ngân hàng có Livebank người dùng có thể thao tác đổi thẻ trực tiếp tại máy mà không cần đến quầy giao dịch. Trong trường hợp khách hàng chưa thực hiện chuyển đổi hoặc nhận thẻ chip thì sau ngày 31/12/2021 vẫn có thể sử dụng thẻ từ để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, kênh Internet (Internet Banking), di động (Mobile Banking), quầy giao dịch theo đúng quy định pháp luật.
Theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN (Thông tư 41), đến ngày 31/12/2021, 100% thiết bị chấp nhận thẻ (máy ATM, POS) đang hoạt động tại Việt Nam và 100% thẻ thanh toán đang lưu hành phải tuân thủ Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành. Tính đến hết quý III/2021, trên toàn thị trường, tỷ lệ chuyển đổi của thẻ chip nội địa đạt khoảng 25% và tỷ lệ chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ chip (máy ATM, POS) đạt khoảng 90%.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trên cơ sở đồng thuận của các ngân hàng và tổ chức thành viên, Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và NAPAS đã phối hợp ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm rủi ro đối với giao dịch giả mạo (Quy định chuyển đổi trách nhiệm). Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 nhằm bảo vệ quyền lợi của các ngân hàng và tổ chức tài chính đã thực hiện nâng cấp và chuyển đổi đáp ứng Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi thẻ/thiết bị chấp nhận thẻ. Với vai trò là đơn vị chuyển mạch, NAPAS có trách nhiệm vận hành hệ thống chuyển mạch hoạt động liên tục, thông suốt và phát triển hạ tầng thanh toán thẻ đa dịch vụ, đồng bộ và an toàn.
Hiện nay, 43 tổ chức tài chính thành viên của NAPAS đã sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật chấp nhận và phát hành thẻ tuân thủ Bộ Tiêu chí cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành, trong đó đã có bẩy ngân hàng đầu tiên hoàn thành 100% công tác chuyển đổi theo quy định của NHNN là MB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered, Hongleongbank, IBK Hồ Chí Minh, IBK Hà Nội.
Nhiều lợi ích khi sử dụng thẻ chip
Theo các chuyên gia thẻ ngân hàng, trong xu hướng chip hóa hiện nay, khi thẻ chip tích hợp với căn cước công dân gắn chip sẽ liên thông dữ liệu người dùng. Theo đó, người dùng thẻ chip mỗi khi giao dịch ngân hàng không phải xuất trình nhiều thủ tục giấy tờ chứng minh như trước đây. Ngoài ra, một số ngân hàng hiện nay đang triển khai các thẻ chip tích hợp dữ liệu mua bán trên các trang thương mại điện tử, thẻ chip tích hợp vào làm thẻ đi xe buýt…
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết, đại dịch Covid-19 thúc đẩy người sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên cũng nảy sinh vấn đề là tội phạm mạng tập trung tấn công vào hệ thống ngân hàng di động. Số lượng những cuộc tấn công bằng các mã độc được hãng an ninh mạng này phát hiện và ngăn chặn đã tăng đến 60% trong quý II năm 2021 ở khu vực Đông Nam Á.
Theo hãng an ninh mạng Kaspersky, tội phạm mạng thường tìm cách truy cập trái phép vào các hệ thống xử lý thanh toán nhạy cảm, mạng lưới ATM… Nếu thông tin chi tiết thẻ của người dùng được lưu trên các nền tảng thương mại điện tử mà không có công nghệ thẻ đủ mạnh, sẽ rất mất an toàn an ninh tài chính.
Để tăng cường an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động thẻ ngân hàng, NHNN đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, quy định mới yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ thực hiện theo lộ trình chuyển đổi của Thống đốc NHNN Việt Nam.
NHNN yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Tổ chức phát hành thẻ phải cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử...
Thời gian qua, một số NHTM đã thực hiện thí điểm phát hành thẻ điện tử, tích hợp trên App ngân hàng điện tử. Những thẻ này có đầy đủ số thẻ, ngày phát hành, ngày hết hạn, mật mã thanh toán… Thẻ điện tử đến thời điểm hiện nay mới chủ yếu sử dụng trong thanh toán thương mại điện tử, trên thị trường chưa có nhiều máy ATM, POS chấp nhận thanh toán thẻ điện tử nên chủ thẻ điện tử vẫn sử dụng thêm một thẻ vật lý để thực hiện thanh toán tại máy POS, ATM. |