Động đất ở Đài Loan (Trung Quốc): Nhắc nhở về rủi ro với ngành sản xuất chip
Những nỗ lực phục hồi
Vừa rồi, trận động đất mạnh 7,4 độ richter đã xảy ra ở bờ biển phía đông đảo này, mạnh nhất trong 25 năm, khiến 9 người thiệt mạng theo thống kê đến nay, gây lở đất và sụp đổ các công trình. TSMC cho biết, các cơ sở của họ đã gặp phải một số rung chuyển. TSMC đã tạm thời sơ tán một số nhân viên sau trận động đất, nhưng sau đó vào cuối ngày 3/4, có thông tin các nhân viên vẫn an toàn và đã trở lại nơi làm việc. “Có những công cụ bị hư hỏng tại một số cơ sở, ảnh hưởng một phần đến hoạt động. Tuy nhiên, không có thiệt hại nào đối với các công cụ quan trọng của chúng tôi”, TSMC cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 3/4.
Quang cảnh sau trận động đất ngày 3/4 tại Đài Loan |
Mặc dù trận động đất vừa qua dường như không có bất kỳ tác động lâu dài nào đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nhưng đưa ra một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro khi tập trung sản xuất vi mạch quan trọng vào một nơi dễ xảy ra động đất và những bất ổn khác. Các nhà sản xuất chip và các chính phủ, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ, trong những năm gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD vào nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất chip, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng quá trình này đang diễn ra không đủ nhanh.
TSMC hiện sản xuất khoảng 90% chip bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới, cung cấp “năng lượng”, “bộ não” cho vô số thiết bị mà mọi người sử dụng hàng ngày. Chip của TSMC được sử dụng bởi những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Apple, Qualcomm, Nvidia và AMD. Chúng rất cần thiết cho ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ, lĩnh vực mà nguồn cung chip vốn luôn trong tình trạng căng thẳng.
Giáo sư David Bader, Giám đốc Viện Khoa học Dữ liệu tại Viện Công nghệ New Jersey, nhận định: “Tôi tin rằng đó là một mối đe dọa hiện hữu”. Ông Bader nói: “Mọi thứ chúng ta làm, dù là đang lái xe, dù đang nói chuyện trên điện thoại di động, hay thậm chí cả hệ thống phòng thủ quân sự, hệ thống vũ khí, máy bay… mọi thứ đều phải sử dụng đến chip bán dẫn. Nếu việc sản xuất chip bị dừng lại, điều này sẽ rất tàn khốc!”.
TSMC đã tăng cường công tác phòng chống động đất trong những năm sau trận động đất lớn ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1999. Tính đến cuối ngày 3/4, công ty cho biết hơn 70% công cụ trong các cơ sở của họ đã được phục hồi trong vòng 10 giờ sau trận động đất với mức độ phục hồi cao. Tuy nhiên, ngay cả việc phải ngừng sản xuất chip chỉ kéo dài vài giờ thì cũng có thể mất vài tuần để phục hồi.
Các nhà phân tích của Barclays cho biết trong một báo cáo dành cho nhà đầu tư hôm thứ Tư: “Một số chip cao cấp cần hoạt động sản xuất liền mạch 24/7 ở trạng thái chân không trong vài tuần”, và rằng việc tạm dừng hoạt động có thể đồng nghĩa với “một số chip cao cấp đang trong quá trình sản xuất có thể bị hỏng”. Các chuyên gia này ước tính, TSMC bị thiệt hại 60 triệu USD trong thu nhập quý II do sự gián đoạn này.
Cuộc đua đa dạng hóa sản xuất chip
Theo nhà phân tích Joe Unsworth của Gartner, những tác động lan tỏa tiềm ẩn rộng hơn đối với ngành công nghệ cũng sẽ phụ thuộc vào loại hình sản xuất chip nào sẽ bị ảnh hưởng, đây là điều vẫn chưa rõ ràng tới thời điểm này. Các công ty công nghệ dựa vào chip GPU để cung cấp cho các ứng dụng AI vốn đang thiếu hụt, nên họ có thể sẽ theo dõi chặt chẽ các tác động tiềm ẩn đối với lĩnh vực sản xuất đó. Nvidia, nhà thiết kế GPU hàng đầu, cho biết trong một tuyên bố hôm 3/4 rằng: “Sau khi tham khảo ý kiến của các đối tác sản xuất, chúng tôi không mong đợi sẽ có bất kỳ tác động nào đến nguồn cung của chúng tôi từ trận động đất ở Đài Loan”.
Một số nhà sản xuất công nghệ và bán dẫn khác cũng cho biết rằng, họ cũng đang đánh giá tác động tiềm tàng của trận động đất đối với các cơ sở của mình tại Đài Loan (Trung Quốc) nhưng tin rằng sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Trận động đất ngày 3/4 sẽ tạo thêm áp lực cho những nỗ lực đang diễn ra trong nhiều năm qua nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip bên ngoài Đài Loan. Các thảm họa khác trước đó, bao gồm đại dịch Covid-19 và hạn hán, đã đè nặng lên hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và gây ra tình trạng thiếu chip khiến giá các hàng hóa tiêu dùng liên quan tăng cao. Các chuyên gia chuỗi cung ứng và quan chức Hoa Kỳ cũng lo ngại, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị có thể mang lại hậu quả cho ngành này. Nhà phân tích Angelo Zino của CFRA Research cho biết: “Chúng tôi nghĩ trận động đất này sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư về những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào các cơ sở đến từ một khu vực”.
Năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chips và Khoa học, theo đó phân bổ hơn 200 tỷ USD đầu tư trong 5 năm tới để giúp Hoa Kỳ lấy lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Và trong những năm gần đây, TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới ở Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ. Nhưng kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 2 ở Arizona - được công bố vào năm 2022 và ban đầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay đã nhiều lần bị trì hoãn.
Các chuyên gia cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip đang không diễn ra đủ nhanh để giải quyết những rủi ro khi tiếp tục tập trung ở Đài Loan (Trung Quốc). Địa điểm cho các nhà máy mới đòi hỏi phải có các công ty hoặc chính phủ sẵn sàng và có khả năng đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở vật chất cũng như lực lượng lao động lớn có kỹ năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.