Đồng hành và san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp
SHB dành 600 triệu đồng ưu đãi cho khách hàng mở thấu chi và thẻ tín dụng SHB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 36.645 tỷ đồng SHB dành 6.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng doanh nghiệp |
Thưa ông, xin ông chia sẻ về tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023?
Kinh tế vĩ mô nước ta 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và bất ổn. Trước những khó khăn, thách thức đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo.
Riêng đối với ngành Ngân hàng, NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Cụ thể, NHNN đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành; ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát lạm phát, duy trì thanh khoản dồi dào, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định.
Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Riêng với SHB, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, SHB đã chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. SHB đã thực hiện tăng trưởng tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả vào sản xuất kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động, quản trị thanh khoản hiệu quả, tạo dư địa để thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi.
Hiện tăng trưởng tín dụng của SHB cũng nằm trong xu hướng chung của toàn ngành so với cùng kỳ. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.
Ông Đinh Ngọc Dũng Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) |
Ông có thể nêu cụ thể hơn về những giải pháp SHB đã triển khai nhằm gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp?
Nhằm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả trong những tháng cuối năm, SHB tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Từ đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Trong thời gian qua, SHB đã và đang triển khai nhiều giải pháp tài chính toàn diện như: Chương trình ưu đãi với tổng quy mô lên đến 6.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp 2023 – 2024 có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với ưu đãi giảm lãi suất đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Sản phẩm cho vay gián tiếp nguồn vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất ưu đãi 2,16%/năm đối với vay ngắn hạn và 4,0%/năm đối với vay trung - dài hạn. Sản phẩm tài trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ: Là chương trình ưu đãi đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp nữ chủ phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. SHB hỗ trợ 6 tháng lãi vay lên đến 10 nghìn USD đối với các doanh nghiệp có khoản vay cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Hỗ trợ 100% phí cam kết rút vốn lên đến 10 nghìn USD đối với doanh nghiệp vay mới.
Bên cạnh giảm lãi suất, SHB còn miễn/giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và có những trải nghiệm tốt nhất trong hành trình sử dụng sản phẩm dịch vụ tín dụng, SHB đã thiết kế các sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm hiện hữu phù hợp với từng ngành nghề, từng nhóm khách hàng với các tính năng nổi trội như: Các sản phẩm đều được xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn riêng đảm bảo “may đo” phù hợp với từng nhu cầu vay vốn và đặc điểm của từng đối tượng khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất về điều kiện lựa chọn, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khoản cấp tín dụng tại SHB.
Cải tiến các bước trong quy trình cấp tín dụng để áp dụng riêng cho các khách hàng thuộc đối tượng sản phẩm giúp rút ngắn thời gian nhận diện, tiếp cận, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, đưa các sản phẩm cấp tín dụng lên kênh online giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tăng tính tiện lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh nhu cầu vốn.
Đồng hành toàn diện cùng khách hàng, SHB còn chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn miễn phí tài chính doanh nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, nhằm đảm bảo chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại, từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển.
Qua thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp, tình hình tín dụng đang có phần chững lại nguyên nhân do đâu? Về phía ngân hàng, có khó khăn gì không, thưa ông?
Như chúng ta đều biết, Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới. Những diễn biến khó lường, phức tạp và bất ổn của thế giới trong những tháng vừa qua tác động tiêu cực tới kinh tế vĩ mô nước ta.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dòng tiền gián đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục.
Dù cũng gặp phải những khó khăn chung của toàn ngành song SHB vẫn đang nỗ lực tiến về phía trước. Với mong muốn đồng hành và san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, SHB đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất ngắn và trung hạn dành cho doanh nghiệp.
Ngân hàng đang số hóa toàn bộ quy trình cho vay để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trong thời gian tới đây, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc đơn giản hoá quy trình cho vay, tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư.