![]() |
Chứng khoán chiều 12/4: Áp lực bán dâng cao, VN-Index mất gần 27 điểm |
![]() |
Cá nhân có tiếp tục mua ròng trên thị trường? |
Dòng tiền đổ vào nhóm Midcap trong quý I/2022
Đánh giá về xu hướng dòng tiền, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tâm điểm của quý I/2022 vừa qua là nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình, khi nhóm midcap chiếm khoảng 30% tổng thanh khoản của toàn thị trường còn nhóm cổ phiếu VN30 chiếm khoảng 32%. Điều này rất khác so với thời điểm năm 2020-2021 khi thanh khoản nhóm VN30 chiếm hơn 50%, thậm chí có lúc gần 60%.
![]() |
“Nhìn chung,.: thanh khoản toàn thị trường có độ giảm nhẹ so với quý IV/2021, chỉ có thanh khoản nhóm cổ phiếu midcap có sự tăng trưởng 5% so với quý trước. Giữa các ngành nghề thì nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán vẫn lần lượt là các nhóm chiếm tỷ trọng giao dịch khá lớn của toàn thị trường”, bà Hiền nhận xét trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8.
Tuy nhiên, theo bà Hiền trong quý I/2022 vừa qua, tất cả các nhóm cổ phiếu đều có sự sụt giảm về thanh khoản, duy chỉ có nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu bán lẻ là các nhóm có độ tăng trưởng về thanh khoản và cũng khá hợp lý khi trong thời điểm quý I vừa qua, giá dầu có sự bứt phá khá mạnh.
Có hai nguyên nhân, thứ nhất do trong suốt năm 2021 dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30 đã đẩy định giá lên khá cao. Bên cạnh đó, nhiều nhóm ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa cơ bản tăng như nhóm dầu khí, phân bón hoặc một số nhóm ngành thuộc lĩnh vực xuất khẩu như đồ gỗ, dệt may, thủy sản là những nhóm ngành được hưởng lợi và có tốc độ phục hồi từ giữa quý IV/2021. Do đó, các nhà đầu tư đã nhận ra tiềm năng của những nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình để làm tâm điểm đầu tư.
Bổ sung thêm lý do vì sao dòng tiền đổ vào nhóm midcap trong quý I/2022, ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam cho biết, chúng ta nhận thấy dòng tiền vào nhóm bất động sản, trong đó các mã bất động sản midcap chiếm tỷ trọng rất cao. Ngay trong quý I có khá nhiều sự kiện ảnh hưởng, khoảng tháng Một với đợt đấu giá đất hay một số sự kiện liên quan đến giao dịch của người nội bộ thì đến khoảng cuối tháng Ba các sự kiện này lại tiếp diễn. Điều này tạo ra những phiên giao dịch mang tính chất đột biến của nhóm cổ phiếu midcap liên quan bất động sản. Và sự thay đổi xuất hiện khi có các động thái thanh lọc của cơ quan quản lý.
Từ thực tế những ngày qua, thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã liên tiếp đón nhận các động thái xử phạt, thanh lọc và gia tăng tính minh bạch từ phía cơ quan quản lý. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về lâu dài đây chính là những thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán.
Nhìn lại trong quá khứ, việc vi phạm liên quan đến các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán thì thị trường có độ rung lắc trong khoảng 1 đến 3 tháng, sau đó hầu hết thị trường đều lấy lại được đà tăng trưởng vốn có. Sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc minh bạch hóa thị trường sẽ làm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vì thấy rõ cơ quan quản lý đang bảo vệ các lợi ích hợp pháp của họ. Thứ nữa, sân chơi của chúng ta được minh bạch hơn để chuẩn bị cho việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE.
Dòng tiền sẽ về đâu
Ông Võ Thế Vinh cũng cho biết, năm 2021 thị trường có rất nhiều kỷ lục về thanh khoản, về điểm số và trong một thị trường như vậy sẽ luôn phát sinh những đối tượng, thành phần muốn trục lợi thông qua các hành vi liên quan đến làm giá. Trong ngắn hạn, các động thái mạnh tay của cơ quan quản lý chắc chắn sẽ khiến các lực cung cầu ảo này biến mất và điều này làm giảm thanh khoản tại một số nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, các nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ chịu áp lực tâm lý.
Nhưng trải qua một đợt điều chỉnh ngắn hạn như vậy sẽ có rất nhiều cổ phiếu về lại mức định giá hợp lý hơn và với xu hướng hồi phục của kinh tế Việt Nam sau dịch, rõ ràng đây sẽ là một cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục của mình.
“Chúng ta thấy rằng hoạt động sản xuất đã hồi phục, trong khi các gói kích thích có thể sẽ bắt đầu thể hiện vai trò của mình trong nửa sau của năm 2022. Chính phủ vừa kích thích kinh tế nhưng đồng thời kiểm soát bong bóng, điều này sẽ tạo ra một tâm lý tích cực hơn trong dài hạn”, ông Vinh nhận định.
Bà Trần Khánh Hiền cũng cho biết trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, những doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ có đủ tiềm lực cũng như khả năng để có độ bứt tốc phát triển mạnh hơn. Vì vậy, dòng tiền sẽ quay lại với các nhóm cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp có tăng trưởng cũng như độ phục hồi tốt.
Còn về thị trường trái phiếu, trong ngắn hạn sẽ có những ảnh hưởng nhất định khi nhà đầu tư bắt đầu e dè hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ thúc đẩy họ cần phải có thái độ tỉnh táo để đầu tư vào những doanh nghiệp có sự minh bạch về thông tin cũng như cần có một kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng và hiệu quả. Còn về lâu về dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên minh bạch hơn.
Vì vậy, theo bà Trần Khánh Hiền những quý tiếp theo, nhà đầu tư có thể sẽ dịch chuyển sự chú ý của mình sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, là nhóm có đầy đủ tiềm lực tài chính cũng như đủ khả năng để tận dụng được đà phục hồi của nền kinh tế, cũng như đã đến lúc nhà đầu tư nên dịch chuyển sự quan tâm của mình đến những nhóm cổ phiếu có sự hưởng lợi dài hơn, chứ không phải chỉ tập trung đầu tư vì những thông tin theo kiểu giá dầu tăng hoặc đầu tư vì giá phân bón, giá nguyên vật liệu cơ bản tăng.
Bên cạnh đó, tuần cuối cùng của tháng 3 và là tuần đầu tiên của tháng 4, dòng tiền bắt đầu dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng. Đây cũng là một trong những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cũng sẽ được hưởng lợi từ những chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Ông Võ Thế Vinh thì cho biết, xu hướng khoảng hai năm gần đây chúng ta hay nói về nhà đầu tư F0. Và khi chúng ta nhìn vào số lượng tài khoản mở mới tăng dần và tăng rất mạnh vào những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là thời điểm mà rất nhiều cổ phiếu trong nhóm midcap tăng rất mạnh và hình thành một mức sinh lời kỳ vọng cao hơn so với thực tế. Nhưng từ nay tới cuối năm 2022 hay dài hơn, chúng ta sẽ cần xác định lại mức sinh lời kỳ vọng của mình hợp lý hơn, khi kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục sau dịch.
“Tại các nhóm ngành lớn ở trên thị trường như bán lẻ, ngân hàng, các ngành hàng tiêu dùng đều đang ở vùng định giá khá hấp dẫn, có thể gọi là đã bị dòng tiền F0 phần nào đấy bỏ quên và đây có thể là nhóm chúng ta sẽ lựa chọn một danh mục đầu tư nắm giữ trong dài hạn”, ông Vinh khuyến nghị.
Hương Ly
Nguồn: