Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Cân nhắc khái niệm DNNN và luật hóa hộ kinh doanh
Không nên luật hóa hộ kinh doanh
Sáng 21/5, Quốc hội tiếp tục phiên họp nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đa số ý kiến bày tỏ sự đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu các ý kiến tham góp của các đại biểu Quốc hội. Song, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc khái niệm DNNN và có nên hay không quy định hộ kinh doanh trong dự án luật này…
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào trong luật bởi nó có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình, thể chế kinh doanh ở nước ta hiện nay. Thực tế, Luật Doanh nghiệp các thế hệ trước đã đề cập tới hộ kinh doanh và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Sửa đổi lần này chỉ là bước tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung, hoàn thiện các quy định cần thiết để chính danh hóa, luật hóa một số nội dung hỗ trợ, bảo vệ loại hình tổ chức kinh doanh này để hộ kinh doanh phát huy tốt hơn tiềm năng và đóng góp tích cực hơn nữa vào nền kinh tế, cũng như tăng cường trách nhiệm, vai trò của loại hình tổ chức kinh doanh này trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, với người lao động, đồng thời hướng tới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế rộng lớn có tới 5 triệu hộ, hàng chục triệu lao động, chiếm tới 30% GDP của đất nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng tới nay dự thảo vẫn chưa đưa ra được nhiều những chính sách, những quy định để hướng tới sự cởi mở, thuận lợi hơn trong quản lý đối với hộ kinh doanh, tạo bình đẳng hơn với DN; chưa có chính sách mạnh để khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN; những quy định, những chính sách hiện hành, nhất là về thuế, kế toán, đất đai, lao động vẫn khiến hộ kinh doanh ngần ngại khi chuyển đổi từ mô hình hộ cá thể sang mô hình DN.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn, bởi đối tượng điều chỉnh có số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 đến 6 lần số lượng DN. Mặt khác, về bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với DN.
“Tôi cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Bởi so với các chủ thể khác của luật thì hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh nhỏ bé. Việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét chưa nhất thiết can thiệp, đưa hình thức kinh doanh của hộ gia đình vào dự án Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh nên được xem xét ban hành thành luật riêng, luật về hộ kinh doanh, Luật Doanh nghiệp chỉ đề cập, điều chỉnh đối với DN, không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh”, ông Tiến đề nghị.
Cần xem xét lại khái niệm DNNN
Thảo luận quy định tại Điều 88 về DNNN, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, trong những lần sửa đổi luật trước đây chúng ta đã có những bước tiến lớn trong việc xóa bỏ sự phân biệt giữa DN, giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại, do đó đã khơi dậy nguồn lực to lớn của xã hội đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Sửa đổi luật lần này, ông đề nghị cần tiếp tục tiến tới xóa bỏ triệt để hơn nữa sự phân biệt về thành phần kinh tế, về tính chất sở hữu trong các mô hình tổ chức kinh doanh.
“Không nên có một chương riêng về DNNN trong luật, vì như vậy sẽ tạo tiền đề bất bình đẳng giữa DNNN với các DN do các thành phần kinh tế khác sở hữu, tạo ra sự nghi ngờ không cần thiết. Những vấn đề của DNNN nên quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; nếu cần thiết thì có thể sửa luật này, như vậy sẽ hợp lý hơn”, ông Lâm đề xuất.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì cho rằng, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, DNNN là DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Dự thảo luật lần này sửa đổi quy định DNNN bao gồm các DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo lần này cần phải cân nhắc vì đây là một vấn đề lớn, quan trọng; nhưng chưa đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đến hoạt động của các DN sẽ trở thành DNNN theo quy định của dự thảo luật lần này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần vốn góp…
Do vậy, bà Tuyết đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết của nhà nước phù hợp hơn, đảm bảo việc chi phối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của DN, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên có vốn góp cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các DN.
Phải quản lý được DN còn tồn tại hay không Về cơ quan đăng ký DN, Điều 215 dự thảo luật có quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nhưng nhiều đại biểu cho rằng chưa giải quyết tốt tồn tại thực hiện hiện nay của cơ quan đăng ký kinh doanh. Hiện nay, việc thành lập, quản lý DN đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Sự thay đổi này là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN phát huy khả năng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sự thông thoáng này cũng đặt ra yêu cầu phải có cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, đảm bảo phát triển DN đúng quy định của pháp luật, kiểm soát được thực trạng và khe hở hiện nay đối với luật hoặc lợi dụng, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN để gian lận, trốn thuế... |