Dư địa cho tài chính tiêu dùng còn khá lớn
Tài chính tiêu dùng cơ cấu nợ cho khách hàng | |
Số hóa trong tài chính tiêu dùng tăng mạnh |
Toàn cảnh tọa đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định: “Nhìn lại 1 năm kinh tế Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, và nhìn dài hơn 10 năm phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng có thể thấy, ngoài những kết quả rất đáng khích lệ đạt được thì vẫn cần phải khẳng định rằng, số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp trong dư nợ cho vay nền kinh tế vẫn còn thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân đang là rất lớn...”
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua các quy định về cho vay tiêu dùng luôn được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Trong đó hoạt động cho vay tiêu dùng được điều chỉnh bởi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó. Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4/11/2019 sửa đổi bổ sung thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định hoạt động cho vay tiêu dùng của các Công ty tài chính.
Hay hoạt động cho vay thông qua hạn mức qua thẻ tín dụng nhằm mục đích tiêu dùng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016.
Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay tiêu dùng, NHNN đã triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân dưới chuẩn ngân hàng, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân – là những người có thu nhập thấp, dưới chuẩn của ngân hàng - góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội”, đại diện NHNN cho biết.
Dưới góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE CREDIT cho rằng: “Sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp. Đây là nhóm khách hàng dưới “chuẩn” cho vay của các ngân hàng thương mại truyền thống”. Theo ông Phúc, tại FE CREDIT, sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách hàng với gần 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ phân bổ toàn lãnh thổ Việt Nam. Và chúng tôi vẫn đang mở rộng mạng lưới hoạt động của mình để gia tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thống cho người dân.
Về công nghệ hiện nay cũng hỗ trợ cho việc phát triển tài chính tiêu dùng nhất là trong nhận diện khuôn mặt giữa thực tế và chứng minh thư. Theo ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Công nghệ thông tin của Mcredit thì công nghệ hiện tại có thể đáp ứng được những đòi hỏi nhận diện hơn cả mắt thường. Bên cạnh đó, công nghệ trước đây có xu hướng đánh đồng tất cả các khoản nợ và chỉ phân loại khi đến bước nhắc nợ. Tuy nhiên với công nghệ hiện tại dựa trên ứng dụng AI, công ty có thể phân loại khách hàng nào đòi nợ ở giai đoạn nào, để trả nợ đúng thời hạn. Ví dụ với khách hàng có tính chất công việc đặc thù thì mình có thể nhắc nợ sớm hơn.
Trong 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt |
Khẳng định, trong những năm qua, ngành tài chính tiêu dùng có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, về quy mô thị trường, 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%), theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản. Trong đó, đáng chú ý là mạng lưới hoạt động của các công ty tài chính ngày càng phát triển và có xu hướng tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng hơn.
Trong khi đó, TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, tài chính tiêu dùng là một trong những ngành mà được nhiều quốc gia coi là chỉ số để định hướng điều hành kinh tế và điều hành sản xuất, bởi đây là chỉ số có ý nghĩa rất lớn. Nếu phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng thì sản xuất sẽ phát triển. Nhìn từ thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, ông Hiếu khẳng định, đây là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng vì nhu cầu lớn.
Tuy nhiên, để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính (nhất là các qui định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...). Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Về phía quản lý nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, hiện nay, NHNN đang đề xuất, trình Chính phủ Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech; Nghị định thay thế Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về hoạt động tài chính vi mô. Đồng thời, NHNN theo thẩm quyền đã ban hành các quy định pháp lý phù hợp đối với các sản phẩm, mô hình, dịch vụ, phương tiện thanh toán mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng trong điều kiện của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mang công nghệ 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số, hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc tiếp cận dịch vụ.