Du lịch mạo hiểm: Tăng tính hấp dẫn, đảm bảo an toàn
An toàn cho du lịch mạo hiểm Chấn chỉnh du lịch mạo hiểm |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), có thể chia thành các nhóm sản phẩm về du lịch mạo hiểm như: Du lịch mạo hiểm trên không (du lịch bằng máy bay trực thăng, dù lượn, nhảy dù…); nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ (du lịch dã ngoại, leo núi, đi bộ, đi thăng bằng trên dây…); du lịch mạo hiểm dưới nước (chèo thuyền, khám phá thác nước, lặn…).
Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội… đã có chiến lược đẩy mạnh khai thác các tour du lịch mạo hiểm. Điển hình là vùng Đông - Tây Bắc có rất nhiều sản phẩm được khai thác như: Chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai), Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu), đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), khám phá hang động ở Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Tại Hà Nội, Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì đã triển khai tour leo núi, khám phá Vườn quốc gia từ nhiều năm nay. Ở miền Trung, du lịch mạo hiểm nổi bật với các sản phẩm khám phá hang động ở Quảng Bình, chinh phục đỉnh Puxailaileng (tỉnh Nghệ An)...
Những năm gần đây, ngành du lịch ở nhiều địa phương đã quan tâm phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Nhiều sản phẩm du lịch có tính phiêu lưu, mạo hiểm cũng đã được một số công ty lữ hành phối hợp khai thác. Bên cạnh đó, một số du khách hoặc nhóm du khách ưa mạo hiểm cũng tự “thiết kế” những tour riêng. Dù vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, trước khi phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, cần đánh giá tác động đối với ngành du lịch để lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế; tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về kinh doanh du lịch mạo hiểm và nâng cao chất lượng dịch vụ, thường xuyên kiểm tra chất lượng, điều kiện an toàn, điều kiện vệ sinh sạch sẽ đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Nhiều loại hình du lịch mạo hiểm hấp dẫn du khách |
Có thể nói, du lịch mạo hiểm là sản phẩm có thị trường tương đối rộng, nhu cầu đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững loại hình, sản phẩm này theo hướng chuyên nghiệp, chắc chắn không thể làm đại trà. Theo các chuyên gia, cần tập trung phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, mang bản sắc văn hóa địa phương. Đặc biệt, yếu tố an toàn tuyệt đối cho du khách trong mọi tình huống phải được đặt lên hàng đầu.
Để đảm bảo sự an toàn cho du khách, Bộ VHTTDL vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý điểm đến. Theo đó, Bộ VHTTDL yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan; chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh du lịch... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan.
Với tỉnh Lâm Đồng, Bộ VHTTDL cũng có văn bản đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiến hành rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch mạo hiểm; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cho khách du lịch để tránh xảy ra các vụ việc tương tự. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt đối với hoạt động tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm. Kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch.