Đưa sắc phong về làng
Câu chuyện những sắc phong quý ở đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021, mới đây bị rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Rất may, bằng sự can thiệp của các bộ, ngành, hành vi trên đã bị ngăn chặn. Tuy nhiên, câu chuyện “chảy máu” sắc phong đã diễn ra là một sự thật cần có nhiều biện pháp để ngăn chặn. Cùng với đó, cần nhiều nỗ lực để có thể đưa sắc phong trở về những ngôi làng Việt cổ.
Theo các chuyên gia văn hóa, sắc phong xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng xã. Trải qua thời gian, ngoài giá trị lịch sử, sắc phong đã trở thành “vật thiêng”, là “căn cước văn hóa” của nhiều làng quê, hay nói cách khác, đã trở thành di sản văn hóa tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, điều đáng buồn, có không ít sắc phong bị mục nát, thất lạc hoặc bị kẻ gian lấy cắp. May mắn thay, thời gian qua có những người đứng ra tìm mua lại những sắc phong ấy và tìm cách trao về địa phương đang bị mất sắc phong.
Giải thích cụ thể hơn, PGS.TS. Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, sắc phong (hay còn gọi là Đạo sắc) là văn bản viết trên giấy Sắc (loại giấy được vua, chúa sử dụng để viết sắc phong) có ấn của vua, có nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (Sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (Sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là Đạo sắc.
Các thành viên của nhóm nhân sĩ Hà Đông đang soạn sắc phong để trao về cho các ngôi làng |
Tuy nhiên, trong nhiều thập niên qua, có lẽ từ những năm 1990, nhiều làng quê đã bị mất sắc phong quý. Có nơi “mất lúc nào không hay”. Thậm chí, có nơi, các bô lão đã cất kỹ sắc phong trong hòm sắt nhưng một số đối tượng xấu vẫn đột nhập vào các ngôi đình, các cơ sở thờ tự lấy trộm sắc phong. Nhiều nơi, khi mất sắc phong đã báo chính quyền, truy tìm kẻ gian; nhưng cũng có nơi, vụ việc bị chìm trong im lặng… Còn nhớ, khoảng 3 năm trước, 16 đạo sắc phong được thờ phụng trong đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh (huyện Vụ Bản, Nam Định) đã “không cánh mà bay”. Kẻ gian đã đột nhập lấy cắp 16 sắc phong bản gốc. Tương tự, cũng trên địa bàn xã Tân Khánh, tại đình làng Nhị Thôn, mặc dù các cụ cao niên đã cất giữ sắc phong trong thùng với 3 lớp khóa, nhưng kẻ gian vẫn đột nhập, bẻ khóa, lấy đi 10 đạo sắc phong. Sự việc sau đó được báo ngay cho công an, Công an xã Tân Khánh và Công an huyện Vụ Bản đã lập biên bản hiện trường, thu thập thông tin, truy tìm kẻ trộm sắc phong.
Lấy trộm đạo sắc phong không phải là chuyện mới xảy ra. Ngược dòng thời gian, nhiều vụ trộm sắc phong đã diễn ra. Đơn cử vào cuối tháng 7/2018, kẻ gian đã đột nhập vào Di tích văn hóa cấp quốc gia đền Hậu (xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên) lấy đi 5 đạo sắc phong từ thời Nguyễn và hai bát hương cổ bằng gỗ.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính, sắc phong là tài sản độc bản vô giá, nếu để mất thì không chỉ mất phần xác mà phần hồn của di tích. Cảm thấy trống vắng cho người dân trong làng như mất một cái gì đó không thể bù đắp lại được. Bên cạnh đó gây ra sự nghi kỵ lẫn nhau trong cộng đồng, mất đoàn kết.
Các đối tượng trộm sắc phong sau đó lại đem bán trên một số diễn đàn, hoặc bán cho một số nhà sưu tập. Một số khác sau đó bị bán ra nước ngoài.
Chính vì thế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường các biện pháp để bảo vệ sắc phong. Các làng quê có sắc phong cổ cần có cơ chế để gìn giữ, bảo vệ sắc phong cổ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất, các sắc phong cổ cần được để lưu giữ và bày cho dân làng xem.
Song song với gìn giữ, cần kêu gọi các cá nhân, tổ chức, hội nhóm đang sở hữu sắc phong của các làng Việt trao lại cho ngôi làng từng bị mất. Mấy năm qua có những tín hiệu vui khi một nhà sưu tập, hoặc hội này, nhóm kia đã tiến hành những đợt trao tặng sắc phong về những ngôi làng bị mất. Tiêu biểu như nhóm nhân sĩ Hà Đông gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến...
Ông Trịnh Hữu Sỹ - thành viên của nhóm nhân sĩ Hà Đông đã sưu tập được hơn 200 đạo sắc phong. Một ngày cách đây chừng 10 năm, trong câu chuyện vui, các thành viên tình cờ nhắc tới những bản sắc phong cổ trong bộ sưu tập của ông Sỹ và cùng nhau đi tới quyết định, sẽ nhờ những người am hiểu sắc phong dịch giúp để tìm ra tên làng gắn với từng sắc phong và có thể dâng lại sắc phong về những ngôi làng đó. Tính đến nay, nhóm nhân sỹ Hà Đông đã tiến hành khoảng 20 cuộc dâng sắc phong về làng. Lần gần đây nhất là cuối tháng 4/2023, đại diện nhóm nhân sĩ Hà Đông đã trao tặng 10 đạo sắc phong cho ấp Ứng Luật, Quang Thiện, Kim Sơn và 2 đạo sắc phong cho Dĩ Ninh, Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, công việc thu thập sắc phong rồi giám định, dịch và trao lại cho các địa phương có sắc phong bị mất của nhóm nhân sĩ Hà Đông đã thực hiện gần 10 năm trở lại đây và tiếp tục. “Chúng tôi thấy đó là sự may mắn và hạnh phúc của chúng tôi khi được làm việc này. Sự xúc động đến thiêng liêng của người nhận và người trao đã làm cho tôi hiểu thêm giá trị vô giá của những di sản văn hoá của dân tộc. Hiện chúng tôi còn giữ 2 đạo sắc phong của Phong Sơn, Phú Gia, Gia Khánh và 1 đạo sắc phong của Yên Tế và 1 đạo của Quảng Công, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình”, ông Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không giấu giếm: “Khi biết chúng tôi đang sở hữu hàng trăm bản sắc phong cổ có giá trị, nhiều người đã ngỏ ý mua lại. Nhưng chúng tôi không bán. Nếu chúng tôi bán, thì chắc cũng không ai nỡ trách chúng tôi, vì chúng tôi đã phải bỏ nhiều tiền để có được những sắc phong này. Nhưng nếu chúng tôi bán, thì chắc chắn các bậc tiền nhân sẽ trách chúng tôi, đời sống này sẽ trách móc chúng tôi. Chính vì thế, thông qua việc trao lại sắc phong cho những ngôi làng bị mất, chúng tôi có một niềm tin mơ hồ nhưng mạnh mẽ, văn hóa của làng đang tìm thấy những vẻ đẹp, đang được gìn giữ và tôn vinh”.
Thông qua những cuộc trao tặng sắc phong một cách công khai, minh bạch và phi lợi nhuận, nhóm nhân sĩ Hà Đông đã đưa được những “căn cước văn hóa” của làng trở về với làng. Những sắc phong chứa đựng hồn làng được trở về làng. Có những ngôi làng, chỉ khi thành viên của nhóm nhân sĩ Hà Đông tìm đến xác minh, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mới biết làng mình sắc phong đã bị mất. Vì thế, những sắc phong được trao lại này là vật thiêng, làm cho người dân cảm thấy hạnh phúc.
Trên hành trình tìm lại sắc phong đã mất, nhóm nhân sĩ Hà Đông vẫn mong muốn: Những cá nhân đang lưu giữ các đạo sắc phong cổ, nếu có tấm lòng thì xin chuyển lại cho nhóm để trao lại cho các làng quê đã bị mất. Trường hợp đã trót bỏ tiền ra để sở hữu, chủ nhân cũng có thể báo cho nhóm biết để tìm cách mua lại. Bởi chỉ khi chúng ta cùng trân trọng những giá trị văn hóa của làng quê thì thế hệ trẻ họ mới biết, mới hiểu để cùng ủng hộ, cùng đóng góp, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.