Đưa vốn ngân hàng gần hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đây là ý kiến được trao đổi tại Toạ đàm khoa học “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ phục hồi sau COVID-19 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN phối hợp cùng Grab Financial Group và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức sáng thứ Hai (18/7).
Bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nêu nhận định, DNNVV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2021, DNNVV chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, hàng năm, đóng góp khoảng hơn 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30%, thu hút gần 60% lao động…
Ý thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của DNNVV, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này. Về phía NHNN, từ năm 2016, NHNN đã triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, gần đây nhất, NHNN đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020), trong đó đưa ra một nhóm giải pháp riêng nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho DNNVV.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế trao đổi ý kiến tại Tọa đàm |
Phân tích cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thông tin, NHNN xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, theo đó, tại các Chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và các văn bản chỉ đạo điều hành về hoạt động tín dụng hàng năm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực này. Đồng thời, NHNN cũng quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.
Bên cạnh đó, NHNN trình cấp có thẩm quyền/theo thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là các DNNVV với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV. Đặc biệt, Ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ, hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có khu vực DNNVV tiếp cận vốn để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu thảo luận tại Toạ đàm |
Gần đây nhất, NHNN đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% (gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng) từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (trong đó có DNNVV) trong một số lĩnh vực. Đồng thời, cùng ngày NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện.
Về phía các TCTD cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chính sách tín dụng đối với DNNVV, triển khai đa dạng các gói sản phẩm vay vốn ưu đãi riêng cho các DNNVV bằng cả VND và ngoại tệ; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng, tạo thêm giá trị gia tăng cho DNNVV thông qua các dịch vụ tiện ích phong phú.
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, dư nợ tín dụng đối với DNNVV trong giai đoạn 2017 đến 2019 có xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV chậm lại.
Đến cuối tháng 5/2022, tín dụng DNNVV đạt hơn 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 5,52% so với tháng 12/2021, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (3,16%), cho thấy dấu hiệu phục hồi của các DNNVV. Dư nợ chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng chung, với trên 206 nghìn DNNVV còn dư nợ, bà Tùng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Phó Giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp SHB thông tin một số giải pháp thúc đẩy DNNVV tiếp cận tín dụng |
Tăng khả năng tiếp cận vốn rẻ cho DNNVV
Mặc dù tín dụng đối với DNNVV trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, việc điều hành, định hướng tín dụng ưu đãi đối với DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn như: Kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của hầu hết DNNVV, khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm sút, tiềm ẩn nợ xấu.
Kênh huy động vốn cho doanh nghiệp qua thị trường trái phiếu chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Hiện việc huy động vốn cho phát triển kinh tế, đặc biệt DNNVV phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, nhất là vốn trung dài hạn, tạo ra áp lực cho hệ thống TCTD trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại, dẫn tới việc áp dụng các điều kiện ưu đãi cho DNNVV (có độ tín nhiệm thấp hơn) trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, điểm nghẽn còn đến chính từ bản thân DNNVV như: Quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản bảo đảm; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ; các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp.
Ông Lim Yew Heng, Giám đốc Điều hành khu vực, Bộ phận Đối ngoại, Grab |
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Lim Yew Heng, Giám đốc Điều hành khu vực, Bộ phận Đối ngoại, Grab cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ kênh vay vốn ngân hàng cho DNNVV thông qua chương trình cho vay ưu đãi; ngân hàng chuyên trách công tác vay vốn đối với SME; chính sách bảo lãnh tín dụng; chính sách cho vay bắt buộc…
Cũng có thể thiết lập các phương thức tiếp cận vốn mới như cho thuê; vốn tư nhân hay vốn đầu tư mạo hiểm; huy động vốn; cho vay số…
Ông Lim Yew Heng cũng gợi ý hình thức hợp tác công – tư hỗ trợ sự phát triển của các phương thức tiếp cận vốn mới. “Hợp tác công – tư sẽ tạo dựng được một hệ sinh thái tiềm năng, mang lại lợi ích thiết thực đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, người cho vay và người đi vay”, ông Lim Yew Heng cho biết.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Phó Giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp SHB thông tin một số giải pháp thúc đẩy DNNVV tiếp cận tín dụng đó là: mở rộng cơ hội kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm thông qua việc ký kết hợp tác với các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước làm cơ sở kết nối cộng đồng các DNNVV, mở rộng cơ hội cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Ngân hàng cũng cung cấp thông tin thị trường, kiến thức quản lý để doanh nghiệp có giải pháp tài chính tốt nhất, đồng thời tăng cường tư vấn, giải đáp cho doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng.
Đại diện doanh nghiệp, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần có sự đào tạo, nâng cao năng lực tiếp cận tài chính cho các DNNVV; hỗ trợ các DNNVV chuẩn bị hồ sơ vay vốn, hỗ trợ tái cấu trúc cho doanh nghiệp…