ECB có thể giảm thêm lãi suất trong tháng 10
ECB sẽ không thảo luận về mục tiêu lạm phát sắp tới ECB có thể giảm lãi suất vào tháng 9 |
Trong phát biểu mới đây, Isabel Schnabel – một thành viên có quan điểm “diều hâu” trong Hội đồng quản trị của ECB cũng thừa nhận, lạm phát tại khu vực ngày càng có khả năng giảm xuống mức mục tiêu 2% của ECB. Trong khi đó kết quả các cuộc khảo sát được công bố tuần trước cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh của khối đã giảm mạnh vào tháng 9, khi lĩnh vực dịch vụ - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh tế của khối - đi ngang, còn sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng tốc.
“Chúng ta không thể bỏ qua những trở ngại đối với tăng trưởng”, Schnabel cho biết trong một bài phát biểu tại thị trấn Freiburg của Đức. “Với những dấu hiệu nhu cầu lao động giảm và tiến triển hơn nữa trong việc giảm phát, khả năng lạm phát giảm bền vững trở lại mục tiêu 2% của chúng tôi một cách kịp thời đang trở nên có khả năng hơn, mặc dù lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao và tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ”, bà cho biết.
Một nhà hoạch định chính sách khác của ECB là Thống đốc NHTW Bồ Đào Nha Mario Centeno cũng tự tin rằng, lạm phát ở khu vực đồng euro đã được kiểm soát và lo ngại về sự suy yếu của thị trường lao động châu Âu có thể dẫn đến đầu tư và tăng trưởng dưới mức trung bình.
Phát biểu tại một hội nghị ở La Toja, Tây Ban Nha, Centeno cho biết: “Vấn đề tăng trưởng ở châu Âu là trọng tâm... và hiện chúng ta đang bắt đầu thấy những nghi ngờ đầu tiên trên thị trường lao động”. Ông cho biết, số lượng việc làm mà các công ty châu Âu tạo ra ít hơn 20% so với hai năm trước, số lượng người mới được các công ty tuyển dụng thấp hơn 10% so với mức tối đa được ghi nhận trong quý II năm 2022, “trùng hợp là thời điểm ECB bắt đầu tăng lãi suất".
“Động lực của thị trường lao động đang hạ nhiệt một chút và đây là những con số đầu tiên khiến chúng ta lo lắng", ông nói. Điều này có thể báo hiệu mức đầu tư thấp hơn trong khi dự báo hiện tại của ECB chỉ ra mức tương tự như năm 2023 trong hai năm tới. "Vào thời điểm này trong chu kỳ kinh tế, một nền kinh tế có quy mô như khu vực đồng euro không thể cân nhắc tương lai (tăng trưởng) của mình nếu không có đầu tư", ông nói.
Với việc làm phát giảm tốc mạnh, trong khi các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế khu vực đang giảm tốc mạnh, các thị trường nhận thấy khoảng 90% khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 10, sau các động thái vào tháng 6 và tháng 9. Những bình luận từ các quan chức ECB càng củng cố những kỳ vọng này, thậm chí nó còn củng cố kỳ vọng về một động thái tiếp theo vào tháng 12.
Tuy nhiên, Schnabel đã cố gắng kiềm chế kỳ vọng về tác động mà ECB có thể gây ra, lập luận rằng các vấn đề kinh tế của châu Âu đã ăn sâu bén rễ đến mức lãi suất thấp hơn sẽ không giúp khối này thoát khỏi tình trạng khó khăn. "Chính sách tiền tệ không phải là thuốc chữa bách bệnh", bà nói. "Chính sách tiền tệ không thể giải quyết các vấn đề về cấu trúc".
Vấn đề chính là Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, đã rơi vào thời kỳ đặc biệt khó khăn, với nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, do ngành công nghiệp thúc đẩy hiện đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lâu dài hơn.
Bà cho biết căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục cản trở thương mại, năng lượng đắt đỏ hơn đang đè nặng lên khả năng cạnh tranh của nước này và sản xuất có giá trị gia tăng cao từ Trung Quốc đang làm giảm thị phần của nước này. Schnabel nói thêm rằng, châu Âu và đặc biệt là Đức cần một chính sách công nghiệp mới tập trung vào đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh, những lĩnh vực mà nước này đã tụt hậu trong nhiều thập kỷ nay.