CPI của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 4 tháng vào tháng Mười
Kinh tế Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong quý III Trung Quốc: PBoC cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản |
CPI của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 4 tháng vào tháng Mười |
Trong loạt các biện pháp kích thích mới nhất, hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền Bắc Kinh đã phê duyệt gói 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,4 nghìn tỷ USD) hỗ trợ chính quyền địa phương giảm bớt gánh nặng nợ, thay vì bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế như một số nhà đầu tư đã hy vọng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng gói này có thể sẽ không thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế, nhu cầu và giá cả trong ngắn hạn.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Mười, chậm lại so với mức tăng 0,4% của tháng Chín và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng Sáu, đồng thời cũng thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% trong một cuộc thăm dò của Reuters với các chuyên gia kinh tế.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản (CPI không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu biến động) đã tăng 0,2% trong tháng Mười, tăng tốc so với mức 0,1% trong tháng Chín.
"Do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tháng 10, hiệu quả của các chính sách kích thích nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước được ban hành từ cuối tháng Chín vẫn chưa rõ ràng", Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại JLL cho biết. Ông dự đoán CPI sẽ duy trì xu hướng tăng trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp, mở ra không gian cho chính quyền Bắc Kinh tiếp tục cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) vào cuối tháng Chín đã công bố các biện pháp hỗ trợ tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch COVID-19 để phục hồi tăng trưởng kinh tế nước này.
Kế hoạch kích thích được mong đợi nhất đã được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc thông qua vào thứ Sáu, không làm hài lòng các nhà đầu tư, thập chí gây nên thất vọng vì nó không đáp ứng được kỳ vọng về các bước chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng và lạm phát trong nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, Lan Foan hôm thứ Sáu cho biết sẽ có thêm các biện pháp kích thích, các chính sách thuế để hỗ trợ thị trường nhà ở sẽ sớm được đưa ra và chính quyền đang đẩy nhanh việc tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể muốn giữ lại một số biên pháp kích thích kinh tế cho đến khi "một chính quyền mới của Mỹ" nhậm chức vào tháng Giêng năm tới.
So với tháng trước đó, CPI của Trung Quốc đã giảm 0,3% trong tháng Mười, mạnh hơn so với mức dự báo giảm 0,1%. Đóng góp vào kết quả đó, giá lương thực giảm đã kéo CPI theo tháng giảm xuống.
Với 70% tài sản của hộ gia đình Trung Quốc bị "kẹt" trong lĩnh vực bất động sản đang "ốm yếu", mà ở đỉnh cao chiếm một phần tư nền kinh tế, người tiêu dùng đang giữ chặt tiền của họ, khiến nền kinh tế chịu áp lực giảm phát.
Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc có thể sẽ vẫn ở mức thấp vào năm tới, được dự báo chỉ 0,8%, trong khi giá sản xuất sẽ không chuyển biến tích cực cho đến quý III/2025, Goldman Sachs cho biết trong một bản tin trong tháng này.
Giá bán nhà sản xuất đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Mười, sâu hơn mức giảm 2,8% của tháng trước và thấp hơn mức dự kiến giảm 2,5%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong 11 tháng.
Giảm phát giá bán nhà sản xuất đã trầm trọng hơn trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, chế biến dầu và than, sản xuất hóa chất và sản xuất ô tô.
"Việc thực hiện một số chính sách kích thích ngược chu kỳ tốt hơn mong đợi có thể sẽ cải thiện xu hướng tiêu dùng và đầu tư", Zhou Maohua, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Ngân hàng Everbright Trung Quốc nói và thêm rằng: "Nhưng sự phục hồi của thị trường nhà ở trong nước, tiêu dùng hộ gia đình và sự cân bằng cung - cầu sẽ cần thêm thời gian".