ECB sẽ nới lỏng thêm chính sách
ECB có giảm tiếp lãi suất trong năm nay? Quan chức ECB chia rẽ về bước đi tiếp theo của cắt giảm lãi suất |
Theo cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại 20 quốc gia sử dụng chung đồng euro đã tăng tốc lên 2,0% vào tháng 10 từ mức 1,7% của tháng 9, chủ yếu do chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao. Đáng chú ý, lạm phát cơ bản (đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) vẫn giữ nguyên ở mức 2,7%, cao hơn mức dự báo của các chuyên gia kinh tế là 2,6%.
Lạm phát tại Eurozone đã giảm nhanh chóng kể từ khi đạt mức hai con số cách đây hai năm và hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% của ECB trong nửa đầu năm tới, dù có một số biến động trong những tháng cuối năm 2024.
Trả lời phỏng vấn tờ Le Monde được xuất bản ngày 31/10, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng tin tưởng lạm phát tại khu vực đồng euro sẽ đạt mục tiêu 2% của ECB vào năm 2025. “Bây giờ tôi muốn thấy mục tiêu 2% đạt được trên cơ sở lâu dài. Nếu không có cú sốc lớn, điều này sẽ xảy ra vào năm 2025”, bà nói.
Sự giảm tốc của lạm phát đã làm xuất hiện một cuộc tranh luận giữa các quan chức ECB trong những tuần gần đây. Một số quan chức cho rằng có nguy cơ lạm phát sẽ giảm xuống dưới mục tiêu và ECB sẽ phải bắt đầu kích thích tăng trưởng để ngăn chặn lạm phát quá thấp.
Trong bài phát biểu tại một hội nghị ngân hàng ở Rome, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Fabio Panetta - một thành viên Hội đồng Thống đốc của ECB cho rằng, ECB phải tránh rủi ro cắt giảm lãi suất quá chậm và hạ lạm phát quá mức.
“Với sự suy giảm lạm phát, chúng ta cần chú ý đến điểm yếu của nền kinh tế thực”, ông nói và nhấn mạnh thêm: “Nếu không có sự phục hồi vững chắc, chúng ta sẽ có nguy cơ đẩy lạm phát xuống dưới mục tiêu (và tạo ra) một tình huống mà chính sách tiền tệ sẽ phải vật lộn để chống lại, và điều này phải được tránh”.
Tuy nhiên, các quan chức có quan điểm diều hâu đã phản đối và chỉ ra một danh sách dài các yếu tố có thể đẩy lạm phát lên cao hơn; trong đó, mối quan ngại chính là lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn giữ nguyên ở mức 3,9%.
Điển hình như bà Isabel Schnabel cho rằng lạm phát khó có thể giảm xuống dưới mục tiêu 2%, nên việc cắt giảm lãi suất dần dần vẫn là phù hợp. “Rủi ro về việc mục tiêu lạm phát không đạt được một cách có ý nghĩa và dai dẳng vẫn còn”, Schnabel cho biết trong một bài thuyết trình tại Frankfurt. “Tăng trưởng dự kiến vào năm 2025 gần với tiềm năng, (do đó) không cần phải giảm xuống dưới mức trung lập”. Theo bà, mặc dù việc giảm lạm phát vẫn đi đúng hướng, nhưng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa giành được thắng lợi, nên cách tiếp cận dần dần để gỡ bỏ các hạn chế vẫn là phù hợp.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng, ECB nên duy trì trọng tâm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% trong trung hạn, và điều này cho phép có những sai lệch nhỏ, tạm thời xung quanh mục tiêu của mình. “Nếu lạm phát cao hơn mục tiêu nhưng hội tụ ở tốc độ đủ, thì điều này có thể không cần hành động”, Villeroy cho biết và nói thêm: "Việc duy trì lạm phát chính xác ở mức mục tiêu 2,0% mọi lúc là không thực tế và cũng không cần thiết".
Tuy nhiên, không có nhà hoạch định chính sách nào phản đối việc có thể cắt giảm thêm lãi suất vào ngày 12/12. Các nhà đầu tư tài chính hiện đang đặt cược rằng lãi suất tiền gửi 3,25% của ECB có thể giảm xuống 2% hoặc thậm chí thấp hơn vào cuối năm 2025.