eKYC sẽ tăng tốc
MSB áp dụng mở tài khoản trực tuyến thông qua e-KYC | |
Xác thực danh tính trực tuyến và mở tài khoản giao dịch ngay trên Sacombank Pay | |
Ngân hàng vào cuộc triển khai định danh điện tử |
Từ ngày 10/11/2020, Vietcombank áp dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC) cho phép khách hàng đang sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS có thể đăng ký và kích hoạt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank ngay trên điện thoại mà không phải tới quầy giao dịch.
Được biết từ đầu tháng 7/2020 NHNN chính thức cho phép một số ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng eKYC và đến thời điểm này thị trường đã ghi nhận hàng loạt nhà băng thông báo ra mắt tính năng mới này.
Theo đó VPBank được ghi nhận là ngân hàng đầu tiên đáp ứng tất cả các quy định và thực hiện triển khai eKYC từ đầu tháng 7, cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán 100% online; HDBank áp dụng eKYC từ đầu tháng 8/2020 cho phép khách hàng có ngay tài khoản iMoney trên app HDBank chỉ với vài thao tác đơn giản là có thể giao dịch thanh toán theo nhu cầu; TPBank ghi dấu ấn với việc có thể định danh khách hàng điện tử trong vòng 5 giây nhờ giải pháp eKYC; VietCapitalBank, MSB, NCB, Sacombank, SeABank đều đã công bố áp dụng eKYC trong hoạt động của mình…
eKYC sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa hoạt động của các ngân hàng |
Tuy mới chỉ là những bước khởi đầu, nhưng thực tế cho thấy chỉ sau vài tháng triển khai eKYC, nhiều ngân hàng đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, tỷ lệ thực hiện các giao dịch eKYC trên nền tảng ngân hàng số không ngừng tăng lên. Chẳng hạn VPBank, chỉ sau 2 tháng ứng dụng eKYC đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020; HDBank sau 1 tháng triển khai ứng dụng eKYC trên app HDBank thu hút gần 15.000 khách hàng đăng ký.
Hay như App tài chính TPBank Mobile của TPBank cũng vừa bất ngờ lọt top 1 cùng lúc trên bảng xếp hạng của cả App Store và Google Play, lượt tải app của nhà băng này có tốc độ tăng trưởng từng ngày khoảng 40-60%. Lý do chính được đại diện ngân hàng đưa ra là do TPBank mới triển khai eKYC toàn diện trên ứng dụng di động…
eKYC cũng là một trong những mục tiêu nằm trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đặt ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dẫn ra một ví dụ về việc một người dân ở vùng sâu, vùng xa không thể chi trả quá nhiều tiền cho phương tiện giao thông và các chi phí khác để tới ngân hàng mở tài khoản được, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN Việt Nam khẳng định, ngân hàng phải mở được tài khoản trực tuyến thì mới có thể làm được các dịch vụ, khi nói tới ngân hàng số.
Ngân hàng số hiểu đơn giản là hướng tới mục tiêu ngân hàng không có chi nhánh, giao dịch viên ngân hàng trở thành tư vấn viên. eKYC được áp dụng cũng đồng nghĩa ngân hàng sẽ tăng được số lượng khách hàng hơn rất nhiều lần mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí cho việc đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và ngược lại khách hàng cũng sẽ không phải mất thời gian để tới ngân hàng mà vẫn mở được tài khoản, sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Cùng chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cũng thừa nhận, để người dân có thể giao dịch trên thiết bị di động nhiều hơn so với giao dịch truyền thống tại quầy, sử dụng dịch vụ nhiều hơn thì phải có khuôn khổ pháp lý. “Cơ quan quản lý cũng đang hướng tới tài khoản đa cấp độ, ví dụ như khi khách hàng mở tài khoản thanh toán tại quầy thì hạn mức là không giới hạn, song nếu tài khoản bằng eKYC thì có thể giới hạn là 200 triệu đồng/tháng hay nếu mở tài khoản qua video call thì hạn mức, quy định, đặc tính kỹ thuật có thể do ngân hàng xác định… Như thế thì một tài khoản thanh toán hiện nay sẽ không còn như thời điểm trước, có cấp độ rõ ràng về việc định danh khách hàng điện tử, thuận tiện hơn rất nhiều cho ngân hàng trong quản trị rủi ro”, chuyên gia này nêu ý kiến.
Tuy nhiên, để triển khai eKYC phổ biến hơn, cùng với hành lang pháp lý, vẫn còn có những nút thắt cần tháo gỡ nhằm hoàn thiện tối đa việc phục vụ khách hàng, nhất là khi Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, các yếu tố sinh trắc học của dữ liệu khiến gặp khó khăn khi xác định thông tin khách hàng; các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC còn chưa phong phú bằng tài khoản truyền thống… Trong trường hợp quy định cho phép các ngân hàng tự quyết định được biện pháp, hình thức cũng như công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng thì vẫn cần phải được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để hạn chế tối đa việc dùng CMTND, thẻ căn cước giả mạo… Được biết, tại dự thảo Thông tư về eKYC, NHNN cũng yêu cầu khi eKYC phải kiểm tra với số điện thoại giao dịch, CMTND của người dùng, đảm bảo không để một người này mở nhưng giao cho một người khác giao dịch.
Trong thời gian chờ đợi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động và có cơ chế chia sẻ, kết nối thông tin, theo lời khuyên của các chuyên gia, bản thân từng tổ chức tín dụng cũng phải chủ động nghiên cứu, bổ sung dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, có chọn lọc để tự làm đầy thêm nguồn tài sản vô giá này cho ngân hàng, nâng cao sức cạnh tranh.