Ngân hàng vào cuộc triển khai định danh điện tử
Tiềm năng của eKYC
KYC (Know Your Customer) là thuật ngữ chỉ quy trình xác định và xác minh danh tính của khách hàng, yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng khi có đề nghị mở tài khoản. Nói cách khác, các ngân hàng phải đảm bảo rằng họ biết và gặp trực tiếp khách hàng đăng ký.
Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, thuật ngữ eKYC bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn. eKYC được xem là hình thức nâng cấp cao hơn so với KYC, khi việc định danh khách hàng được thực hiện bằng phương thức điện tử và không cần gặp mặt trực tiếp, nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến.
eKYC là giải pháp cho các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số |
Nếu như trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ ATM... sẽ phải đến trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện các thủ tục đăng kí, xác minh thông tin, thì giờ đây các thao tác này đều có thể thực hiện qua chiếc điện thoại nhờ giải pháp eKYC. Giải pháp này được nhận định là nền tảng thiết yếu để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số trong thời đại 4.0.
Bên cạnh tiết kiệm được thời gian và có trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, giải pháp này đang đem lại hiệu quả cao cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng tiết giảm được nhân lực và chi phí.
Với eKYC, các ngân hàng có thể xây dựng kho dữ liệu thông tin khách hàng đồng nhất, thay vì việc lưu trữ vật lý riêng từng chi nhánh khi xác thực tại quầy như trước. Do đó, việc kiểm tra chéo xem khách hàng này thực sự đã đăng ký tài khoản hay chưa là điều không khó thực hiện.
Ngoài ra, những bước trong eKYC như công nghệ gọi điện trực tuyến (video call) sẽ lưu trữ lại bằng chứng trực tiếp của khách hàng mở tài khoản, khiến ý định lừa đảo giảm bớt.
Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) đánh giá, mặc dù eKYC đơn giản hóa nhiều thủ tục và các bước để mở tài khoản, nhưng phương thức này an toàn hơn KYC trong quá khứ.
Đồng loạt triển khai
Từ đầu tháng 7/2020, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khoảng 10 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) được thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm.
Nắm bắt được những tiềm năng và lợi ích to lớn của eKYC, từ đầu tháng 7, một số ngân hàng TMCP đã thí điểm áp dụng giải pháp này trong hoạt động ngân hàng và thu được những kết quả nổi bật.
Chỉ sau 2 tháng triển khai (từ tháng 7), VPBank - ngân hàng đầu tiên ứng dụng eKYC đã nhanh chóng thu hút được xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020. Ngân hàng dự tính trong năm nay sẽ có thêm khoảng 30.000 tài khoản khách hàng mới đăng kí qua eKYC.
Bắt đầu triển khai giải pháp eKYC từ 1/8, HD Bank cũng thu được kết quả khả quan khi có gần 15.000 khách hàng đăng ký. Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, nâng tỉ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết sau 1 tháng triển khai kể từ đầu tháng 8, TPBank đã xử lí thành công cho gần 30.000 lượt đăng kí mới thông qua phương thức mở tài khoản trực tuyến và định danh khách hàng điện tử eKYC.
“eKYC đang thay đổi cách nhìn nhận của khách hàng về dịch vụ ngân hàng. Giờ đây, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng không còn là phải bước vào các phòng giao dịch sang trọng, mát lạnh, mà hoàn toàn có thể ngồi ở bất cứ đâu và sử dụng mọi dịch vụ ngân hàng, từ mở tài khoản tới giao dịch thanh toán, chỉ với một chiếc điện thoại”, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.
Ngoài 3 ngân hàng kể trên, một số ngân hàng khác cũng đang triển khai hiệu quả giải pháp eKYC như VietCapital Bank, NCB, Nam A Bank, CIMB, MBBank, VIB, LienVietPostBank…
Sẽ sớm có khung pháp lý
Tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để tạo điều kiện và xác định trong vấn đề định danh khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ thẻ, Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong tháng 10/2020 ban hành thông tư thay thế cho Thông tư 23/2014.
Theo dự thảo, các NHTM được quyền quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Khách hàng mở tài khoản tại quầy sẽ được cung cấp đầy đủ hạn mức, còn khi mở tài khoản eKYC, khách hàng được cấp hạn mức giao dịch là 100 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, để phù hợp với trường hợp mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử đối với khách hàng cá nhân, dự thảo thông tư qui định "Yêu cầu về giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán eKYC; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hoá giấy tờ tuỳ thân".