EVBC sẽ trợ lực cho doanh nghiệp trên “cao tốc EVFTA”
Đây là một cơ chế hợp tác giữa hai tổ chức nhằm góp phần triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8.
Sáng kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cao ủy phụ trách Thương mại của EU Cecilia Malmstrom và Phil Hogan hoan nghênh.
EVBC sẽ xây dựng một cơ chế tham vấn song phương, đóng vai trò là một nền tảng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU |
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, EVBC ra đời nhằm thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp hai bên, trên cơ sở khai thác triệt để, tối đa cơ hội do EVFTA mang lại, đồng thời góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Các doanh nghiệp sẽ được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin và những hỗ trợ cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc trở ngại nảy sinh trong quan hệ kinh tế; từ đó giúp nâng cao quy mô giao thương, kết hợp thúc đẩy đầu tư, hợp tác, chuyển giao công nghệ.
"Sứ mệnh của EVBC là xây dựng một cơ chế tham vấn song phương, đóng vai trò là một nền tảng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU. Các doanh nghiệp có cơ hội được báo cáo và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các cơ quan tại Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và các cơ quan khác tại các quốc gia thành viên của EU, nhằm góp ý chính sách và chia sẻ thông tin về các quy định của EU hoặc các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến việc áp dụng và thực thi EVFTA", ông Hoàng Quang Phòng cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, Hội đồng sẽ quan tâm thỏa đáng đến nhiều khía cạnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, có tính chi tiết hơn và nhằm ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực khác nhau...
Ngoài ra, Hội đồng cũng sẽ cập nhật diễn biến thực tế để đưa ra những ý kiến, đề xuất cơ chế hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; hằng năm sẽ có báo cáo tổng hợp tình hình để công bố công khai cũng như gửi đến cơ quan hữu quan.
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhấn mạnh, sự ra đời của Hội đồng thể hiện sự thống nhất cao và mong muốn của các bên, vì sự hợp tác và thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại; tìm cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Kết quả đầu tư và giao thương được kỳ vọng sẽ tăng liên tục và mạnh mẽ trong thời gian tới khi doanh nghiệp hai bên quen dần, phát huy tối đa tiềm năng, thời cơ và những điều kiện thuận lợi để thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa...
EU là thị trường lớn, có sức mua cao sẽ là điểm đến hấp dẫn cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...
"Trong thập kỷ tới, Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác phát triển thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - một trong những thị trường phát triển nhanh và hấp dẫn nhất trên thế giới - và EU - khối thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đem lại cơ hội đôi bên cùng có lợi thực chất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hai bên", ông Nicolas Audier khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, sự ra đời của EVBC là một thực tế rất thiết thực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tối đa những điều kiện, cơ hội do EVFTA mang lại.
Đây cũng là bước đi cụ thể trong quá trình hoàn thiện, bổ sung các hoạt động, cơ chế hợp tác để doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện tốt nhất; từ đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
"Nhìn chung, các loại nông sản vẫn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong xuất khẩu sang thị trường EU, nhờ lợi thế về chủng loại, giá cả cạnh tranh. Song, vấn đề đặt ra là cần xác định đây cũng là dịp để doanh nghiệp Việt nhìn lại mình và lớn lên thông qua việc đáp ứng chuỗi yêu cầu tổng hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, nhất là tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức khắt khe, đồng bộ nhất", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định.