Fed quyết tăng lãi suất dù kinh tế Mỹ ảm đạm
Kinh tế Mỹ ảm đạm
Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/9 đã xác nhận, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục giảm 0,6% trong quý thứ hai sau khi đã bị thu hẹp 1,6% trong quý đầu tiên.
Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm hơn hai phần ba các hoạt động kinh tế của Mỹ, mạnh hơn ước tính trước đây. Nhưng lợi nhuận doanh nghiệp, tiền lương và thu nhập của chủ sở hữu đã được điều chỉnh thấp hơn. Do đó, tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDI), đo lường hoạt động kinh tế từ thu nhập kiếm được và chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất GDP đã được điều chỉnh thành 0,1% thay vì tăng 1,4% trong các số liệu ước tính trước đó.
Việc Fed tăng nhanh lãi suất đang đẩy đồng USD tăng giá mạnh |
Mức trung bình của GDP và GDI, được gọi là tổng sản lượng quốc nội - vốn được xem là thước đo tốt hơn cho hoạt động kinh tế - đã được điều chỉnh thành giảm với tốc độ 0,3% thay vì tăng với tốc độ 0,4% như các số liệu ước tính trước đó. Chỉ số này cũng đã được điều chỉnh giảm 0,4% trong quý đầu tiên, thay vì tăng 0,1% như các số liệu trước đó.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng đang gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Cụ thể tốc độ tích lũy hàng tồn kho giảm mạnh trong quý đầu tiên đã khiến GDP suy yếu trong quý thứ hai. Chris Low - Nhà kinh tế trưởng tại FHN Financial ở New York cho biết, hàng tồn kho được tài trợ bằng tiền vay ngắn hạn, nên rất nhạy cảm với chính sách của Fed và các công ty đang có động cơ để cắt giảm hàng tồn kho. Đáng chú ý, theo vị chuyên gia này, hiện các doanh nghiệp vẫn chưa bắt đầu cắt giảm hàng tồn kho nên khi họ cắt giảm, suy thoái sẽ sâu sắc hơn.
Trong khi đó một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ được công bố tuần trước cho thấy, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 16.000 xuống còn 193.000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/9, mức thấp nhất kể từ tháng Tư. Điều đó làm tăng nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ giảm trong tháng 9. Thị trường lao động vẫn thắt chặt là một trong những lý do để Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Theo Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, có khả năng Fed sẽ không làm chậm tốc độ tăng lãi suất của mình. Theo đó Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất tới 75 điểm cơ bản vào tháng 11 và tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa vào tháng 12.
Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất
Hiện nhiều quan chức Fed cũng đang ủng hộ xu hướng tiếp tục tăng lãi suất để kéo giảm lạm phát. “Tôi khá thoải mái” với việc tăng lãi suất lên 4% - 4,5% trong năm nay và 4,5% - 5% trong năm tới, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly nói với báo giới hôm 29/9. Thậm chí theo bà, lãi suất cần phải duy trì ở mức đó trong cả năm 2023.
Những phạm vi đó chính là những gì mà phần lớn các nhà hoạch định chính sách của Fed đã dự báo về lộ trình lãi suất thông qua cái gọi là đồ thị điểm (dot plot) được công bố vào tuần trước khi Fed nâng lãi suất lên 3%-3,25%.
Trong tuần qua nhiều quan chức Fed đã nhấn lại quan điểm này bất chấp việc Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh đang gây ra những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu và kéo nhiều đồng tiền chủ chốt rớt giá mạnh so với đồng bạc xanh. Tại Mỹ, việc tăng lãi suất của Fed cũng được dự kiến sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Phát biểu với CNBC hôm 29/9, Chủ tịch của Fed Cleveland Loretta Mester cho biết, bà không thấy khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất. Thậm chí bà hy vọng Fed cần phải đi xa hơn những gì đã báo hiệu vào tuần trước. Thậm chí theo Loretta Mester, những diễn biến hiện nay trên thị trường tài chính Mỹ sẽ thay đổi làm thay đổi quan điểm của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát.
Trong khi đó Mary Daly tỏ ra quan tâm hơn đến những biến động trên thị trường tài chính. “Điều cuối cùng tôi muốn biết là các điều kiện tài chính bị thắt chặt đến mức nào, điều này đã làm gì đối với nền kinh tế toàn cầu, cơn gió ngược sẽ thổi đến mức nào đối với tăng trưởng của Mỹ…”, bà nói.
Bà cũng không tin rằng Fed sẽ cần phải tăng lãi suất cao đến mức có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu. Tuy nhiên theo bà, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7% là mức thấp và thị trường lao động vẫn còn rất mạnh. Đặc biệt nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng lạm phát tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, hoặc nếu chuỗi cung ứng không hồi phục như mong đợi và tình trạng thiếu hàng hóa tiếp tục đẩy giá lên cao, Daly nói với các phóng viên, “tôi sẽ chuẩn bị làm nhiều hơn”.