Giá cà phê lập đỉnh do hiện tượng găm hàng
Giá cà phê tăng “sốc”, chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng phiên thứ sáu Giá cà phê tăng vọt, giá khí tự nhiên lao dốc Doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần có chiến lược để làm chủ giá |
Giá cà phê hiện đã lên mức trên 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. |
Số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2024 đạt 238.266 tấn với giá trị 726,6 triệu USD, tăng tới 14,8% về lượng và 21,2% về kim ngạch so với tháng 12/2023. Luỹ kế trong 4 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 (tháng 10/2023 đến tháng 1/2024), xuất khẩu cà phê đạt 564.699 tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ niên vụ 2022 - 2023.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng đầu năm đạt 3.050 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, niên vụ 2022 - 2023, diện tích trồng cà phê đạt khoảng 709 nghìn ha, sản lượng cà phê đạt 1,9 triệu tấn. Ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 tương đương năm niên vụ 2022 - 2023.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của nước ta dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 - 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,78 triệu tấn niên vụ trước đó.
Dự báo, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm nay nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao. Giá cà phê nhân xô Việt Nam trong năm nay có thể ở mức cao nhất thế giới.
Tính đến ngày 23/2, giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 83.400 đồng/kg, tại huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) là 83.400 đồng/kg; tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) là 83.500 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 83.800 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 1/2024.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Intimex Group, cùng thời điểm này năm ngoái, giá cà phê chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, hiện đã lên mức trên 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về Quy định chống phá rừng của EU, trong khi đó, cà phê Việt về cơ bản đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, cà phê robusta thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam, nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới. Các thương nhân Việt Nam vẫn đang giữ lại hạt cà phê với kỳ vọng giá cao hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung vốn đang thắt chặt tại quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam cho biết, nguồn cung cà phê đang thiếu. Việt Nam đang đang trữ lượng hàng lớn, "một mình một chợ”, trong khi đó thời điểm hiện nay nguồn hàng từ các nước khác chưa có.
Lý giải về nguyên nhân giá cà phê lập đỉnh, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, nguyên nhân chính là do thị trường trong nước có hiện tượng các thương nhân găm hàng chờ giá. Vào thời điểm này hàng năm, thương nhân đã bán hàng ra thị trường và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra.
Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, có hiện tượng đã bán cách đây vài tháng nhưng không muốn giao hàng sớm và muốn thương lượng với nhà xuất khẩu phải tăng giá mua lên.
Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino thường gây mưa lớn ở Brazil và hạn hán ở Ấn Độ, tác động tiêu cực đến sản lượng cà phê. Nhiều nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10-15%.
Nhiều chuyên gia dự báo, vào khoảng tháng 5, tháng 6 tới, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại thì trường khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao do nguồn cung thiếu trên thế giới.