Cà phê Việt Nam kỳ vọng “lập đỉnh”
Giới phân tích đang quá bi quan về triển vọng thị trường cà phê? Yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình cho vay trong lĩnh vực cà phê |
Đại diện công ty cho biết, điều này chủ yếu xuất phát từ giá cà phê trong nước tăng đột biến. Công ty đã tập trung thu mua cà phê trước khi bán ra, đồng thời tiết giảm chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Giá cà phê trong nước tăng cao có liên quan chặt chẽ với giá cà phê thế giới khi trên cả 2 sàn giao dịch quốc tế đều có mức giá tăng. Như trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2024 tăng 196 USD/tấn, ở mức 5.371 USD/tấn, giao tháng 1/2025 tăng 222 USD/tấn, ở mức 5.336 USD/tấn. Còn trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 tăng 8,75 cent/lb, ở mức 317,60 cent/lb, giao tháng 3/2025 tăng 8,95 cent/lb, ở mức 315,25 cent/lb.
Một số chuyên gia thị trường nhận định, sở dĩ giá cà phê tăng mạnh giữa mùa thu hoạch do 3 yếu tố chính: lo ngại về những bất lợi vụ mùa cà phê tại Brazil và Việt Nam, chi phí đầu vào tăng và giá cước vận tải cao trong mùa cuối năm. Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị toàn cầu khiến đầu cơ đổ vào các sàn hàng hóa, làm giá cà phê càng “leo thang”. Hiện tại, giá cà phê cao khiến nhiều giao dịch bị chững lại. Người mua chờ giá giảm, còn người bán đợi giá tăng, dẫn đến nhiều giao dịch bị trì hoãn. Thương lái “ém hàng,” trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài vẫn giữ hàng dự trữ, khiến thị trường khó có sự thay đổi đột biến.
Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 1,25 triệu tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 4,92 tỷ USD, giảm 8% về khối lượng, nhưng tăng 40,5% giá trị so với cùng kỳ năm trước…
Còn theo báo cáo của Vicofa, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% so với niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024). Lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê trong một niên vụ cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng cao là động lực chính để xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc nói trên.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê. Lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng đứng đầu thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica. Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng liên tục. Cụ thể, tháng 1, cà phê của nước ta có giá xuất khẩu chỉ 3.054 USD/tấn, đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn. Có nghĩa là, trong vòng 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng tới 91,7%.
Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian qua, giá cà phê trên thế giới tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, dẫn đến giảm nguồn cung. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác khiến giá cà phê tăng là quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Theo đó, từ ngày 30/12, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường này nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến hủy hoại rừng. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ, ngày tính hiệu lực của quy định EUDR được lùi lại tới tháng 7/2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang tích cực thu mua cà phê.
“Bên cạnh những kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng cà phê mà còn khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cà phê Việt Nam đang bước vào niên vụ thu hoạch mới. Dự báo sản lượng cà phê xuất khẩu sẽ phục hồi trong các tháng cuối năm do cả cung và cầu và sẽ cán đích 5,5 tỷ trong năm nay”, ông Nam chia sẻ.