Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Liều thuốc quý cho doanh nghiệp
Gia hạn hơn 21.000 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất
Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn và là biện pháp hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp tiếp tục trụ vững trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là trợ lực quý giá giúp doanh nghiệp vượt khó mùa dịch |
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy, chỉ sau hơn một tháng triển khai, tính đến hết tháng 5/2021, số tiền gia hạn ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 10.600 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng; tiền thuê đất là 4.100 tỷ đồng; thuế GTGT và thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh 300 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, ngay khi Nghị định 52 được ban hành, ngành thuế đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thông tin kịp thời nhất đến các đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, nghị định cũng đã xây dựng theo hướng rút gọn tối đa các thủ tục hành chính cho người dân. Cụ thể, một giấy đề nghị ra hạn thuế sẽ có thể áp dụng cho nhiều loại thuế và khoản thu khác nhau. Đồng thời chỉ cần nộp giấy gia hạn một kỳ để gia hạn thêm nhiều kỳ khác. Đơn cử như thuế GTGT sẽ cho phép gia hạn 6 kỳ và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 kỳ…
Ngoài ra, nếu người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đều có những hoạt động thuộc đối tượng thụ hưởng thì ngành thuế sẽ có trách nhiệm trao đổi thông tin giữa các địa bàn để xác định người nộp thuế được thụ hưởng chính sách, người dân không phải nộp giấy tờ đến nhiều cơ quan.
Trong nhiều năm gần đây và đặc biệt là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự chung tay của ngành Ngân hàng, ngành thuế đã triển khai mạnh mẽ việc nộp thuế, khai thuế, hoàn thuế qua hình thức điện tử đạt tới 97% - 99% ở cộng đồng doanh nghiệp. Với hộ gia đình, bà Hà cho biết ngành thuế đã kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia để các cá nhân có thể sử dụng thủ tục hành chính thuế.
Ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, Nghị định 52 ra đời kịp thời đã có hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Chi phí và thời gian tuân thủ cũng đã giảm đi đáng kể, giúp số lượng doanh nghiệp tiếp cận được chính sách ngày càng nhiều hơn.
Đồng thời theo ông Nam, có thể tính toán để kéo dài thời gian trong việc kê khai thuế thêm 6 tháng nữa, đồng nghĩa với việc thời hạn nộp cũng kéo dài tương ứng với thời hạn kê khai để có thể hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp phải chủ động dòng tiền
Tuy đã có nhiều kết quả tích cực trong việc thực thi Nghị định 52 nhưng theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn còn một số vướng mắc. Đơn cử như nghị định chỉ tạm lùi thời gian nộp thuế, sau khoảng thời gian đó, doanh nghiệp sẽ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình. Điều này cũng làm cộng đồng doanh nghiệp lo lắng, khi hiện nay họ cần một khoản tiền để duy trì sản xuất kinh doanh nhưng thời gian nộp rơi vào cuối năm, khiến gánh nặng tài chính bị cộng dồn và những khó khăn sẽ chồng chất hơn. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi đưa ra quyết định là có nên thụ hưởng chính sách này hay không.
Hay như với tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã trả theo hàng năm, như vậy đối tượng thụ hưởng lại giảm đi. Hoặc với thuế GTGT thì chỉ khi xảy ra giao dịch thương mại thì mới phát sinh, việc kinh doanh bị đình trệ cũng không được hưởng chính sách trên. “Nghị định 52 chưa phải là một liều thuốc đủ mạnh. Hơn nữa, mặc dù có cải thiện so với trước đây nhưng nghị định chưa có điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm thiểu rủi ro về pháp lý”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, có thể tính toán đến phương án miễn giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, ví dụ như bằng cách miễn hẳn thuế GTGT cho các thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch.
Về vấn đề doanh nghiệp lo bị dồn thuế ở cuối năm, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, bản thân các doanh nghiệp phải lường trước được khó khăn và phải chuẩn bị trước về kế hoạch thanh toán. Ngoài ra, Nghị định 52 cũng đã có quy định giãn thời gian nộp thuế, không để dồn cục vào tháng 12. Như thuế GTGT của tháng 3, sẽ gia hạn 5 tháng, vì vậy tháng 9 sẽ phải nộp thuế; tiền thuê đất hàng năm phải nộp vào 31/5 thì giờ đây được gia hạn 6 tháng, như vậy cuối tháng 11 phải nộp. Nghị định đã giảm tải thanh toán vào một thời điểm để người nộp thuế chủ động hơn về dòng tiền.
Về phía cơ quan thuế, bà Hà khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp khác nhau để hỗ trợ, giúp người nộp thuế hiểu đúng, không bị thiệt thòi khi tiếp cận chính sách.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)