Giá sản xuất tại Trung Quốc giảm sâu khi đại dịch làm giảm nhu cầu
Cụ thể, PPI tháng Tư đã giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay, cao hơn dự báo giảm 2,6% tại cuộc thăm dò các nhà phân tích của Reuters, đồng thời cao hơn mức giảm 1,5% trong tháng Ba.
Dây chuyền sản xuất bên trong nhà máy Dongfeng Honda ở Vũ Hán - trung tâm dịch Covid-19 - Ảnh: Reuters / Aly Song |
Dữ liệu được công bố vào tuần trước cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 bất ngờ tăng so với cùng kỳ năm trước, mặc dù lượng nhập khẩu giảm mạnh hơn dự kiến cho thấy nhu cầu nội địa yếu.
Trung Quốc đang cố gắng phục hồi sau khi nền kinh tế bị thu hẹp trong quý đầu tiên của năm, khi các hoạt động kinh tế bị tê liệt do áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm làm chậm sự lây lan của virus đã giết chết hơn 4.600 người ở đại lục. Nhưng sự lây lan của virus bên ngoài Trung Quốc hiện đang đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái sâu sắc.
"Tốc độ giảm giá sản xuất đang nhanh hơn so với thị trường dự kiến, điều này đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nhu cầu", Wen Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Minsheng ở Bắc Kinh, nói.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về kinh tế Trung Quốc thì cho rằng áp lực từ phía cầu có thể sẽ tồn tại trong một thời gian với giá năng lượng và thực phẩm giảm.
"Điều đó sẽ xóa đi những lo ngại của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về tác động của việc nới lỏng tiền tệ đối với lạm phát", Evans-Pritchard nói.
"Trong trường hợp đó, lạm phát thấp hơn sẽ khiến lãi suất thực trở nên cao tương đối và mở ra dư địa cho biệc cắt giảm lãi suất thêm nữa".
Đại dịch Covid-19 lây nhiễm cho hơn 4 triệu người và giết chết khoảng 280.000 người trên toàn cầu, đã làm tê liệt nhu cầu thế giới và khiến nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát, khi các nhà máy và cửa hàng buộc phải đóng cửa.
Cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá sản xuất giảm được thúc đẩy bởi sự sụt giảm của giá dầu thô và giá hàng hóa toàn cầu. Đóng góp gần 60% mức giảm phát là đến từ nhóm ngành khai thác và chế biến nhiên liệu, sản xuất hóa chất.
Trong số 40 lĩnh vực công nghiệp chính được khảo sát, khai thác dầu khí báo cáo mức giảm giá lớn nhất trong năm là 51,4%, từ mức giảm 21,7% của tháng trước đó.
Các nhà sản xuất Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn bởi sự sụt giảm các đơn đặt hàng từ nước ngoài và phải đối mặt với hàng tồn kho tăng, lợi nhuận giảm, buộc phải cắt giảm nhân công để giảm chi phí.
Khi ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng cường hỗ trợ nền kinh tế, các ngân hàng thương mại đã bơm thêm 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (240,05 tỷ USD) dư nợ trong tháng 4, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, cùng lúc cung tiền cũng tăng trưởng nhanh chóng.
Các chính phủ vẫn cảnh giác trước những rủi ro của làn sóng Covid-19 thứ hai, ngay cả khi sự bùng phát dịch bệnh đã chậm lại và cho phép nhiều quốc gia dần dần dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội và khởi động lại nền kinh tế của họ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 của Trung Quốc tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn mức dự báo tăng 3,7% tại cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của Reuters và thấp hơn mức tăng 4,3% trong tháng 3.
Thay đổi trên phần lớn là do tăng giá lương thực chậm lại, ở mức tăng 14,8% trong tháng Tư trong khi đã tăng hơn 18% trong tháng Ba, chủ yếu do tăng giá thịt lợn. CPI phi thực phẩm tăng 0,4% trong tháng Tư, dữ liệu cho thấy.
Lạm phát cơ bản - không bao gồm giá lương thực và năng lượng - chỉ tăng ở mức 1,1% trong tháng Tư, thấp hơn mức tăng 1,2% trong tháng Ba.
Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng tiền tệ hơn nữa, mặc dù Bắc Kinh vẫn có khả năng sẽ dựa vào kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng.